.

Văn học Quảng Bình: Những khoảng trống cần lấp đầy - Bài 1: Trầm lắng văn học trẻ

Thứ Năm, 28/08/2014, 13:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Có một thời, văn học Quảng Bình khá sôi nổi với nhiều cây bút trẻ đầy sức sáng tạo, nhưng mấy năm trở lại đây, đời sống văn học trẻ ở tỉnh ta đang dần trầm lắng lại. Nỗi lo lớn nhất đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này là đã, đang và sẽ thiếu đi một đội ngũ kế cận.

Luồng gió mới

Nhắc đến đời sống văn học ở Quảng Bình, người ta nghĩ ngay đến những cái tên đã quá thân quen như Hoàng Vũ Thuật, Kim Cương, Hữu Phương... và một số cây bút trẻ như Hương Duyên, Hoàng Thụy Anh, Lê Na...

Trong cuộc hành trình sáng tạo của mình, nhiều cây viết trẻ đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của văn học tỉnh nhà như Nguyễn Hương Duyên với tập truyện ngắn “Bến đợi nhọc nhằn” (Giải trẻ của Ủy ban liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Giải thưởng Lưu Trọng Lư); Nguyễn Thị Lê Na với tập truyện ngắn “Bến mê” (Giải trẻ của Ủy ban liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Giải thưởng Lưu Trọng Lư); Trần Thị Huê với 2 tập thơ “Sóng vọng” và “Bến đợi Nhật Thực”; Đoàn Hồ Lệ Anh với “Nơi bắt đầu có sóng”; lĩnh vực lý luận, phê bình văn học có Hoàng Thụy Anh với “Thơ Hoàng Vũ Thuật-nhìn từ thi pháp học Roman Jakobson” và “Bản xô-nat thi ca”...

Những cây viết trẻ cách đây 20 năm, 10 năm hay ở thời điểm hiện tại đều là những cây bút đầy triển vọng mà như nhà văn Kim Cương-phân hội trưởng phân hội Văn học, thuộc Hội VHNT Quảng Bình nhận xét thì “đó là những ngòi bút vừa có đam mê, có năng lực, vừa có trình độ và sức viết khỏe. Dẫu vốn sống còn thiếu nhưng phần lớn trong số họ đang phát huy tốt khả năng và ngòi bút đang dần đi đến độ chín”.

Gần đây, độc giả tỉnh nhà đón nhận những cái tên còn khá mới lạ như Mai Như Quỳnh-cô học trò cấp 3 xứ Lệ với cuốn tiểu thuyết ăn khách “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không” và Trần Thị Trác Diễm-cô hướng dẫn viên du lịch sinh năm 1988 với tiểu thuyết “Hồn lau trắng”.

Họ đến với văn chương như một sự trải lòng duyên nợ để rồi với những cảm nhận tinh tế, sự sáng tạo, cách tân trong cách thể hiện, nhiều tác giả trẻ đã thổi một luồng gió mới vào đời sống văn học vốn quá quen thuộc với những cái tên “đóng đinh” lâu năm trong tâm thức độc giả tỉnh nhà.

Như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã từng nhận định: “Văn học Quảng Bình đang bơi trong một biển hồ lặng sóng. Lẽ ra cần được quăng quật trong môi trường bão  táp, chịu sự va đập xô đẩy, để tìm lối thoát cho mình. Lối thoát đó chính là con đường sáng tạo riêng, cho dù có chông chênh, chìm nổi, đa đoan chăng nữa.

Trong số này nhiều người đã vượt lên, văn chương có phần phơi mở quẫy đạp, hoặc thâm trầm, lắng đọng, nghiệt ngã thân phận, như Nguyễn Hương Duyên, Đoàn Hồ Lệ Anh, Nguyễn Thị Lê Na, Lê Kiều Anh, Phan Văn Chương, Phạm Phú Thép, Nguyễn Thế Nhân...”

Nỗi lo của người già

Được thành lập vào tháng 7-1998, Phân hội Văn học, thuộc Hội VHNT Quảng Bình lúc bấy giờ mới chỉ hơn 30 hội viên. Đến nay, phân hội đã có 118 hội viên. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là trong số đó chỉ 16 hội viên ở độ tuổi dưới 40, hội viên trẻ tuổi nhất cũng đã ngoài 30. Nếu như dùng phương pháp cân nhắc của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy độ tuổi 35 để làm cột mốc phân biệt già - trẻ trong sáng tạo văn chương thì phân hội Văn học Quảng Bình chỉ vỏn vẹn hai tác giả được coi là “tác giả trẻ”.

Các trại viên của trại sáng tác trẻ 2013 tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Các trại viên của trại sáng tác trẻ 2013 tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo nhà văn Kim Cương, cách đây hơn chục năm trước, đời sống văn chương Quảng Bình khá sôi nổi với những cây viết trẻ như Thiên Sơn, Nguyễn Quang Vinh, Hồng Hiếu... để rồi những năm trở lại đây, những cái tên ấy đã “gác bút văn chương” và vắng bóng dần trong đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Năm 2001, phân hội thành lập ra ban sáng tác trẻ như một diễn đàn để những nhà văn, nhà thơ trẻ cùng bàn luận văn chương nhưng kì thực rất ít hoạt động bởi đội ngũ sáng tác trẻ càng ngày càng mỏng dần.

Những nhà văn lớn tuổi như Kim Cương, Nguyễn Thế Tường, Hữu Phương... lo lắm. Đó là cái lo của những con người luôn đau đáu với văn chương tỉnh nhà bởi có một thực tế không tránh khỏi là khi những người viết trẻ 35, 40 tuổi hôm nay độ mươi, mười lăm năm nữa cũng mặc nhiên trở thành những cây bút “già”, họ sẽ lấy ai làm người kế cận? Cái đau đáu khôn nguôi ấy thúc giục những nhà văn già lên đường.

Để rồi, vài năm trở lại đây, người ta thấy hình ảnh những nhà văn, nhà thơ đầu bạc quá nửa đèo nhau về tận các vùng quê xa xôi khắp tỉnh để tìm kiếm những hạt nhân văn chương, nhất là những tác giả trẻ. Và kết quả của những chuyến đi đầy tâm huyết ấy là năm 2013, một trại sáng tác trẻ được mở ra với 15 tác giả đến từ nhiều vùng quê trong toàn tỉnh.

Tại đây, đã có 15 bài thơ, 4 ký, truyện ngắn ra đời và cũng là dịp để những cây bút không chuyên như Mai Như Quỳnh, Trần Thị Trác Diễm có động lực để hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình. Trại viết khép lại, ngoài hai cái tên kể trên, số còn lại cũng không có gì ấn tượng, lại tiếp tục chìm nghỉm trong “biển hồ lặng sóng” ấy.

Các CLB sáng tác thơ, văn của các trường học trên địa bàn tỉnh không phải là hiếm. Nhưng nhìn chung, ngoài cái không khí sáng tác khá sôi nổi buổi ban đầu, về sau, phần đa những CLB ấy đều “chết yểu”. Lý do mà nhiều CLB đưa ra khá quen thuộc là thiếu kinh phí và quan trọng hơn cả là các bạn trẻ thiếu tâm huyết và thiếu một đam mê thực sự với văn chương.

Phải khách quan nhìn nhận rằng, đời sống văn nghệ tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, thế hệ nhà văn nói chung và những nhà văn trẻ nói riêng còn khá thua thiệt trong cuộc sống và cả trong sáng tác. Điều kiện để tiếp xúc, giao lưu học hỏi đã ít mà bề nổi hoạt động văn học, những kênh thông tin, thời sự văn học nghệ thuật trong nước ít có dịp tác động mạnh để đủ sức tạo nên những âm ba, những dư chấn đủ độ, có thể làm xáo động, bứt phá không khí sáng tác vốn trầm lắng, khu biệt vùng miền. Từ đó dễ tạo nên tâm lý sáng tác một cách tùy hứng ngẫu nhiên, thiếu chất lửa và tính chuyên nghiệp trong lực lượng viết trẻ.

Nhà văn Kim Cương tỏ ra khá trăn trở: “Phải chăng các cây viết trẻ hôm nay có quá nhiều nỗi lo, nhiều niềm đam mê, nỗi bận tâm khác nên tình yêu với văn chương và sự quan tâm dành cho trang viết vì thế cũng nhạt nhòa đi?” Có lẽ nỗi niềm ấy cũng là cái lo chung của một thế hệ nhà văn, nhà thơ suốt một đời gắn bó với văn chương tỉnh nhà.

Trăn trở của người trẻ

Tháng 4-2014, cuốn tiểu thuyết “Hồn lau trắng” của cô hướng dẫn viên du lịch sinh năm 1988 Trần Thị Trác Diễm ra đời. Sau khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết gần 500 trang đã được bày bán khắp các nhà sách trên toàn quốc và đặc biệt nó trở thành món quà ý nghĩa trưng bày tại quầy hàng lưu niệm của khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng.

Tiểu thuyết vừa là câu chuyện tình yêu cảm động của một cô gái sinh ra trên mảnh đất di sản, vừa là những nét phác họa sinh động về con người và mảnh đất nơi đây. Bằng lối viết nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, Trác Diễm đã khéo léo biến vẻ đẹp của vùng rừng núi huyền ảo này thành “không gian nghệ thuật” của tiểu thuyết “Hồn lau trắng” để rồi thôi thúc bước chân ghé lại của những ai chưa một lần đặt chân đến động Phong Nha, động Tiên Sơn, dòng sông Son “mềm mại như những tấm lụa đào”.

Đón nhận cuốn tiểu thuyết nhưng mấy ai biết được đó là thành quả của gần 2 năm Diễm manh nha ý tưởng và hì hục viết trong nhiều đêm liền thức trắng. Có một điều đặc biệt là tất cả 500 trang bản thảo đều viết bằng... tay. Diễm bảo rằng Diễm sợ phải ngồi gõ máy tính bởi chính sự cắt, xóa quá dễ dàng sẽ khiến bản thân cẩu thả với từng câu chữ. Và rằng sự khô khan của máy móc đôi khi cũng góp phần làm chết đi cảm xúc trong mình.

Cái quan niệm có lẽ hơi ngược dòng của cây viết trẻ chợt nghe có vẻ lạc hậu nhưng ngẫm lại thấy thấm thía vô cùng. Thời đại bùng nổ thông tin, con người phụ thuộc quá nhiều vào máy móc nên đôi khi những cảm xúc nguyên sơ nhất cũng bị chai mòn đi. Với Diễm, “viết là khi cô đơn lên đến tột cùng nên phải để những nỗi cô đơn ấy được giãi bày một cách trọn vẹn nhất”.

Thế nhưng, một thực tế cho thấy, khi nhu cầu giải trí chốc lát cao hơn nhu cầu thay đổi nhận thức, thị hiếu của phần đa độc giả trẻ cũng thay đổi theo trào lưu thì liệu những tác phẩm viết bằng sự lao động văn chương nghiêm túc, sự trải lòng, thấm thía mà sâu sắc như thế sẽ đi đến với độc giả ở ngay độ tuổi của mình bằng cách nào?

Dẫu biết rằng, những món ăn nhanh chạy đua theo sự thèm thuồng chóng vánh sẽ chỉ mang giá trị tức thời, còn những gì “xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”, cái gì là văn chương thì mạnh mẽ sống, cái gì ngụy văn chương thì còi cọc, chết yểu nhưng giữa cái không khí sáng tác còn lắm chông chênh như thế, những cây bút như Trác Diễm cũng không tránh khỏi hoang mang.

Một thực tế nữa là cuộc đổ bộ ồ ạt của sách dịch, của trào lưu văn học mạng với cái tên nổi cộm lên như Trang Hạ, Nguyễn Phong Việt... hay đơn giản, chỉ cần một “click chuột”, bạn đọc sẽ có cả một thế giới văn chương ngồn ngộn, mặc sức chọn lựa khiến không ít bạn đọc trẻ thờ ơ với sách in.

Điều đó khiến nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ đắn đo hơn trong việc xuất bản đứa con tinh thần của mình. Như tác giả Nguyễn Hương Duyên (Tạp chí Nhật Lệ) chia sẻ: “Mỗi lần xuất bản sách là một lần lo, không chỉ lo về khoản kinh phí xuất bản mà lo hơn cả là liệu sách có bán được hay không? Một phần vì thế nên từ sau tập truyện ngắn xuất bản năm 2006, đến nay mình vẫn đắn đo việc xuất bản tập thứ hai”.

Diệu Hương

Bài 2:  Lý luận, phê bình văn học: Đất rộng nhưng người thưa