.

Nhiều ý tưởng khai thác, phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long

Thứ Hai, 11/08/2014, 07:12 [GMT+7]

Trong các ngày gần đây, nhiều ý tưởng khai thác phát huy giá trị di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long để phát triển du lịch đã được công bố trên các phương tiện truyền thông. Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Từ ý tưởng...

Mở đầu cho màn ý tưởng là đề xuất của Tập đoàn Bitexco (Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh) với đề án "Nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long" trong 50 năm.

Đề án nêu lên phương án phân chia lợi nhuận ròng được chia lại cho tỉnh Quảng Ninh theo tỷ lệ như sau: Sau 3 năm đầu là 20%, sau 6 năm là 30% và sau 10 năm là 50%, đồng thời là cam kết sẽ đưa lại cho doanh thu 5 tỷ USD trong tương lai không xa (tăng cao nhiều so với doanh số chừng 10 triệu USD hiện nay).

Sau Bitexco, Tập đoàn Tuần Châu có công văn đề nghị tỉnh Quảng Ninh cho phép Tập đoàn được tham gia nhận quyền thu phí, quản lý Vịnh Hạ Long. Mới đây, ông Đào Hồng Tuyển, ông chủ Tập đoàn Tuần Châu cũng cho biết: "Ước mong bây giờ của tôi là kinh doanh Vịnh Hạ Long 24/24 giờ. Nếu được Chính phủ cho phép, Tập đoàn Tuần Châu sẽ kéo điện ra thắp sáng Vịnh Hạ Long, biến Hạ Long ngày cũng như đêm..."

Ngày 6-8, Công ty cổ phần T&H Hạ Long (thuộc Tập đoàn Tuần Châu), Hiệp hội Quy hoạch đô thị Việt Nam lại đề xuất ý tưởng với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về xây dựng mới một đường ôtô chính của khu vực Bãi Cháy để khai thác được phong cảnh Vịnh Hạ Long; khôi phục Bến phà Bãi Cháy để kết nối giao thông giữa Bãi Cháy và Hòn Gai tạo nên ký ức đô thị và cũng là nét văn hóa đặc biệt của Hạ Long.

Bênh cạnh đó là đề xuất đưa các phương tiện giao thông, xe ôtô điện, xe đạp điện, xe đạp, xe ngựa để làm phong phú hệ thống giao thông, phục vụ tốt nhất yêu cầu đi lại của du khách; tổ chức Bãi đỗ xe ngầm; xây dựng một Quảng trường văn hóa du lịch trung tâm tạo nên không gian sầm uất mang đặc trưng của khu di sản, kỳ quan...

Vịnh Hạ Long - Kỳ quan thiên nhiên thế giới. (Nguồn: TTXVN)
Vịnh Hạ Long - Kỳ quan thiên nhiên thế giới. (Nguồn: TTXVN)

Tập đoàn Tuần Châu cũng đề xuất phương án di chuyển tàu du lịch từ Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy về cảng tàu Tuần Châu (cảng tàu vừa nhận Kỷ lục Việt Nam).

... đến góc nhìn

Đề xuất của Bitexco ngay lập tức đã nhận được sự phản hồi từ dư luận cũng như chính quyền địa phương. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đề nghị Tập đoàn Bitexco nên đổi tên đề án thành “Đề án nâng cao chất lượng khai thác dịch vụ Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long”.

Ông Đọc khẳng định, tỉnh Quảng Ninh không chuyển quyền quản lý nhà nước cho doanh nghiệp, mà chỉ giao quyền quản trị, quyền thu phí tham quan Vịnh Hạ Long cho doanh nghiệp và thời gian cũng không quá 10 năm.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tỉnh có chủ trương tách riêng biệt hai chức năng quản lý nhà nước và quản trị khai thác dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long nhằm nâng cao chất lượng quản lý, bảo tồn di sản đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch lên tầm quốc tế.

Đối với các ý tưởng của Tập đoàn Tuần Châu, ông Đỗ Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định việc di chuyển tất cả các tàu hoạt động trên Vịnh Hạ Long về khu vực cảng Tuần Châu là cần thiết, văn minh, đây là lợi ích chung của tỉnh.

Ông Thông cũng đồng thuận với phương án quy hoạch, tạo ra một tuyến đường mới ra phía ngoài biển, đồng thuận việc khôi phục bến phà cũ, nhưng cần nghiên cứu cải tạo nâng cấp thành bến tàu du lịch cao cấp.

Ông Trần Căn, nguyên chuyên viên cao cấp của Sở Xây dựng Quảng Ninh, người có kinh nghiệm lâu năm làm quy hoạch ở Quảng Ninh cho rằng: Việc các nhà đầu tư đưa ra các ý tưởng khai thác Vịnh Hạ Long đáng được hoan nghênh. Song các ý tưởng đó không được làm xấu đi Vịnh Hạ Long và ý tưởng đó cần được cụ thể hóa bằng các dự án. Các dự án này cần được thẩm định nghiêm túc từ các ngành chức năng của tỉnh.

Ông Căn cho rằng, công tác quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long là quyền, trách nhiệm của toàn dân, chứ không phải chỉ của riêng chính quyền địa phương. Chính vì vậy, chính quyền nên lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về các dự án liên quan đến di sản, kỳ quan thiên nhiên này để giảm thiểu những tác động xấu đến vịnh.

Ông Nguyễn Công Thái, Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho rằng lâu nay, các doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh ở Vịnh Hạ Long đều có những dự án với những cam kết bảo vệ môi trường, cảnh quan Vịnh hoàn hảo. Nhưng thực tế, họ triển khai lại không như những gì dự án đã cam kết. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng đối với cơ quan quản lý Nhà nước là cần phải có một chế tài giám sát việc thực hiện các dự án thật nghiêm ngặt. Nếu làm tốt được điều này, Vịnh Hạ Long sẽ tránh bị tác động xấu.

Một thực trạng là, hiện nay môi trường nước của Vịnh Hạ Long đang bị ô nhiễm nặng nề. Theo các nhà làm du lịch trong tỉnh cho biết chỉ cách đây chưa đầy 10 năm, nước Vịnh Hạ Long trong xanh, nhìn thấu suốt cả những dải san hô ở tầng đáy. Nhưng giờ đây, nước bị đổi màu, vùng nước ven bờ thì có màu nâu đục, xa bờ một chút có màu xanh đục và những rặng san hô cũng hoàn toàn biến mất thay vào đó là lớp bùn bẩn.

Nhiều người cho rằng, chất lượng nước Vịnh Hạ Long xấu đi hoàn toàn do tác động của con người, đó là nước thải sinh hoạt bị đổ xả thẳng ra biển, đó là các dự án lấn biển, lấn vịnh, đổ đất "vô tội vạ" khiến nước Vịnh Hạ Long đổi màu đục, bẩn.

Ông Bùi Đức Long, Chủ du thuyền Hương Hải Sealife lấy dẫn chứng trước đây đảo Titop có bãi tắm thuộc hạng đẹp nhất Vịnh Hạ Long, nhưng hiện nay nước biển của bãi tắm này quá bẩn khiến nhiều du khách e ngại.

Đa số người dân Quảng Ninh đều quan tâm việc các nhà đầu tư vào Vịnh Hạ Long sẽ làm gì, làm như thế nào, cách thức quản lý, giám sát của chính quyền để bảo tồn di sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Người dân cũng quan tâm tới chi phí mà họ phải bỏ ra để có thể được thụ hưởng các dịch vụ được đầu tư ở Vịnh Hạ Long.

Nhiều người cho rằng, nếu chưa thể tìm ra các thức quản lý, cơ chế giám sát hiệu quả để không làm tổn hại đến Vịnh Hạ Long thì chính quyền địa phương cũng chưa nên "nóng vội".Nếu "nóng vội" cho khai thác gây tác động xấu đến kỳ quan thì sau này sẽ không thể lấy lại vẻ đẹp nguyên sơ của Vịnh nữa.

Minh chứng điều này đã được thể hiện rõ ở những dự án giao đất bên bờ Vịnh Hạ Long dài hạn cho các nhà đầu tư đã và đang ít nhiều gây ảnh hưởng xấu đến môi trường di sản này.

Chủ du thuyền Hương Hải Sealife mong rằng Quảng Ninh sớm cứu lấy màu xanh của Vịnh Hạ Long, bởi nguồn nước Vịnh đang bị ô nhiễm ở mức báo động. Đây là việc làm cấp bách trước khi xem xét tới "siêu" ý tưởng phát triển cho di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới này.

Theo Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)