.

Bảo tồn di tích: Khi cộng đồng cùng chung tay

Thứ Hai, 25/08/2014, 07:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 230 di tích và dấu hiệu di tích, trong đó, 51 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 49 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Một số ít đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nếu không có chính sách bảo tồn, tu bổ kịp thời, tương lai không xa sẽ trở thành phế tích. Một số khác đang vẫn trong tình trạng cần được “đánh thức” giá trị.

Vui, buồn di tích

Trong tổng số 100 di tích được xếp hạng ở tỉnh ta có đủ cả bốn loại hình: Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, di tích lịch sử và di tích danh thắng, trong đó danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng đã được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Và ngay trong lòng di sản này còn chứa đựng nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Những năm gần đây, nhiều di tích ở tỉnh ta đã thực sự được “đánh thức”, trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước như: Phong Nha – Kẻ Bàng, các trọng điểm trên đường 20 Quyết Thắng, lăng mộ lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, núi Thần Đinh... Ngoài những điểm di tích đã được khai thác tốt, phần lớn các di tích lịch sử ở tỉnh ta vẫn đang... nằm im. Trải qua nhiều thăng trầm, chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên, một số di tích lịch sử đang xuống cấp nghiêm trọng.

Từ thực trạng rêu phong, đổ nát, bản thân di tích cũng đang cất lên những lời kêu cứu khẩn thiết như: di tích sân bay Khe Gát (Xuân Trạch, Bố Trạch), chùa Ngọa Cương (Cảnh Hóa, Quảng Trạch), miếu Nam Lãnh (Quảng Phú, Quảng Trạch), đình làng Lệ Sơn (Văn Hóa, Tuyên Hóa)... Những năm trở lại đây, nhiều không gian di tích bị lấn chiếm để làm cơ sở dịch vụ, nhà hàng, quán ăn gây bất lợi cho di sản. Ngay tại thành Đồng Hới, có hàng chục cơ quan, nhà ở, quán ăn, khách sạn... đã tồn tại lâu năm nên muốn di dời, trả lại khuôn viên đúng nghĩa cho di tích cũng không phải là việc đơn giản. 

Trong quá trình tu bổ, tôn tạo, một số công trình đã bị làm biến dạng kiến trúc và làm tổn hại khá nhiều đến nguyên bản gốc của di sản. Còn nhớ năm 2007, dư luận trong và ngoài tỉnh nóng lên bởi việc chính quyền xã Quảng Thanh tự ý tu sửa đình Lộc Điền – một di tích lịch sử cấp tỉnh, từ đó, đã làm thay đổi bộ mặt kiến trúc cổ kính vốn có của ngôi đình một thời được coi là đẹp nổi tiếng vùng sông nước này. Nhìn vào ngôi đình mới khang trang, không ai còn nhìn ra được dấu tích cổ kính vốn có của công trình cổ khi mà hai trụ biểu – dấu vết trăm năm duy nhất còn sót lại đã bị “xóa sổ” hoàn toàn. Sự việc nóng lên buộc UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lúc bấy giờ phải vào cuộc chấn chỉnh, xử lý.

Thành Đồng Hới đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo khang trang hơn.
Thành Đồng Hới đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo khang trang hơn.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, bà Trần Thị Lý, Trưởng Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh thẳng thắn: “Việc xảy ra sai sót trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích do những người tham gia chỉ đạo và trực tiếp thi công thiếu kiến thức chuyên môn. Khi tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích, một số nơi không tuân thủ đúng các nguyên tắc thiết kế ban đầu. Thậm chí có địa phương muốn thay thế di tích bằng một hình thế, kiểu dáng mới, mà không nhận thức sâu sắc rằng, di tích chỉ có giá trị khi nó phù hợp với từng thời điểm lịch sử cụ thể nhất định”.

Cộng đồng cùng bảo tồn

Nhiều năm qua, rất nhiều các chính sách về đầu tư, tôn tạo di tích được đưa ra, ngõ hầu tìm phương kế tốt nhất để tu bổ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử này. Năm 2005, UBND tỉnh đã ra quyết định số 54/2005/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo và phá huy giá trị di tích – danh thắng tỉnh Quảng Bình năm 2006 – 2010. Tiếp đến, năm 2008, UBND tỉnh lại ban hành quyết định số 2683/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phân cấp quản lý các di tích – danh thắng.

Từ đây, một lộ trình tu bổ chi tiết theo từng năm với những cơ chế rõ ràng đã giúp ngành Văn hóa và các địa phương có cơ sở pháp lý để triển khai tu bổ di tích. Bên cạnh đó, sự linh động, sáng tạo của các địa phương trong công tác bảo quản và trùng tu di tích đã kịp thời “cứu” những di tích đang trong tình trạng xuống cấp.

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguồn vốn của tỉnh, địa phương và nhiều nguồn xã hội hóa khác, tỉnh ta đã trùng tu, tôn tạo, dựng bia biển ở nhiều điểm di tích. Có di tích chỉ đầu tư từ 30 triệu đến 50 triệu đồng để dựng bia biển, nhưng cũng có di tích được đầu tư vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng như di tích cống Cửa Đông, thành Đồng Hới, Khu Giao Tế, đền Liễu Hạnh Công chúa, đình Kim Bảng, đồi Cha Quang, hang Lèn Hà, địa đạo Văn La...

Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Trên tinh thần xã hội hóa công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo quy định của Luật Di sản, chúng tôi đã động viên, huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đóng góp để trùng tu, phục hồi di tích và rất mừng là đã và đang thu được nhiều kết quả đáng khích lệ”.

Nhiều làng, nhiều xã đã tự lập ban vận động để đóng góp tiền bạc, công sức vào việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích. Di tích lịch sử quốc gia – khu lăng mộ và đền thờ Hoàng Hối Khanh (Thượng Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy) được xây dựng từ năm 2003, trong đó, hơn một nửa nguồn kinh phí là do nhân dân trong thôn đóng góp.

Ông Trần Văn Sơn, Trưởng thôn Thượng Phong tự hào: “Từ khi xây dựng đến nay, chúng tôi đã huy động được 470 triệu đồng từ nhân dân đóng góp để xây dựng, tôn tạo đền thờ. Tất cả đều theo hình thức tự nguyện”. Mỗi di tích đã trở thành hồn cốt, niềm tự hào của mỗi làng xã, mỗi dòng họ. Tại thôn Văn La (Lương Ninh, Quảng Ninh), gia đình cụ Hoàng Tư Phao, hậu duệ đời thứ 4 của danh thần Hoàng Kế Viêm đã tự đầu tư gần 70 triệu đồng, mở rộng con đường thẳng dẫn vào nhà thờ và khu lăng mộ Hoàng Kế Viêm – một di tích lịch sử Quốc gia được công nhận vào năm 2011.

Nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân cũng đã đóng góp hàng tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích như đình Lũ Phong (Quảng Phong, Quảng Trạch), chùa Quan Âm tự (Đức Trạch, Bố Trạch), đình La Hà (Quảng Văn, Quảng Trạch), khu danh thắng núi Thần Đinh (Trường Xuân, Quảng Ninh)...

Bảo tồn di tích gắn với giáo dục truyền thống

Từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó nhấn mạnh đến việc chăm sóc di sản gắn với tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa. Từ đó, những hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống thông qua hệ thống di tích cho thế hệ trẻ được ngành Giáo dục tỉnh ta quan tâm. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho học sinh đi tham quan, thường xuyên chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh các địa điểm di tích, qua đó, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tâm hồn cho các em.

Điển hình trong số đó là Trường THCS Hiền Ninh (Quảng Ninh) nhận chăm sóc Hội trường Bộ Tư lệnh 559 thuộc di tích Đường Hồ Chí Minh, Trường THCS Võ Ninh (Quảng Ninh) nhận chăm sóc di tích Nhà nhóm Thôn Trung, Trường THCS Lộc Thủy (Lệ Thủy) chăm sóc chùa An Xá....

Trường tiểu học Chu Văn An (Đồng Hới) cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh các chuyến tham quan, dã ngoại đến những địa chỉ đỏ như: nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa An Xá, bến đò Mẹ Suốt... Từ những bài học thực tế ấy, nhà trường mong muốn giáo dục cho các em hiểu sâu sắc hơn truyền thống lịch sử của quê hương mình.

Đó là những bài học bên ngoài trang sách có sức lay động to lớn đối với nhận thức và tâm hồn các em. Cô Đặng Thị Trà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An chia sẻ: “Mỗi năm, nhà trường tổ chức cho các em 5 - 7 chuyến tham quan đến những di tích lịch sử trong tỉnh. Bởi chúng tôi hiểu rằng thông qua việc tìm tòi và hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa của nơi mình đang sống, các em sẽ có ý thức giữ gìn và bảo vệ di tích, di sản văn hóa lịch sử trên quê hương mình”.

Suy cho cùng, mỗi di tích chỉ thực sự phát huy giá trị trong đời sống thực tiễn khi được bảo tồn, trân trọng và được “đánh thức” những tiềm năng vốn có của mình. Vì vậy, trong quá trình bảo tồn, giữ gìn di tích, ngoài vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, cần thiết phải có sự tham gia một cách tích cực của người dân. Không ai có thể giữ gìn di tích tốt hơn, hiệu quả hơn chính chủ nhân của các loại hình di tích văn hóa, lịch sử ấy.

Diệu Hương