.

Tìm về những mạch nguồn giữa chốn dân gian

Thứ Tư, 09/07/2014, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với những nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, một tác phẩm ra đời không chỉ đơn thuần là sự tích lũy của một chặng đường dài tìm tòi, khảo cứu, chắt lọc từ “kho tàng” vốn quý của quê hương, mà còn mang nặng một tình yêu thấm đẫm, da diết, bình dị với chính từng tấc đất, từng làng, từng con người chân quê giản đơn, mộc mạc. Ấn phẩm “Giếng nước, hồ nước và đầm phá trong sinh hoạt đời thường và trong tâm thức dân gian người dân Quảng Bình” của nhà nghiên cứu Văn Tăng cũng là một “đứa con” tinh thần như thế.

 

Tác phẩm “Giếng nước, hồ nước và đầm phá trong sinh hoạt đời thường và trong tâm thức dân gian người dân Quảng Bình”.
Tác phẩm “Giếng nước, hồ nước và đầm phá trong sinh hoạt đời thường và trong tâm thức dân gian người dân Quảng Bình”.

Các công trình nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian ở tỉnh ta đã thuộc dạng hiếm hoi, thì những tác phẩm về giếng nước, hồ nước hay đầm phá-các biểu tượng gắn liền với nếp sống làng quê, trở thành một phần không thể tách bạch với không gian văn hóa làng xã-lại càng trở nên hiếm hoi hơn bao giờ hết.

Có thể nói, sự dấn thân của nhà Văn Tăng đối với địa hạt này cũng là một điều rất đáng khích lệ và mong chờ. Ngay phần mở đầu của tác phẩm, tác giả đã khẳng định: “Ở mỗi làng quê, từ ngày xưa, giếng nước, hồ nước, đầm nước là tượng trưng cho cuộc sống an lành của con dân. Mọi sự được mất của quá trình phát triển làng quê, người ta tin vào mạch nước... Nơi ở có giếng nước, hồ nước, đầm phá được xem là đất địa long và có sức của khí mạch, tàng chứa linh khí...

Nếu ở nơi thiếu giếng nước, hồ nước thì vùng đất ấy không bao giờ sản sinh được linh khí thuần khiết của tự nhiên để bổ trợ con người”. Như vậy, rõ ràng giếng nước, hồ nước, đầm phá không chỉ đơn thuần là cần thiết, hữu ích, không thể thiếu với cuộc sống con người, mà sâu xa hơn, đó còn là mạch nguồn của sự sống, gắn liền với nhiều triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan và có vai trò quan trọng trong cuộc sống tâm linh, tín ngưỡng của con người qua bao thế hệ.

Bởi vậy, không hề ngẫu nhiên khi xung quanh từng tên giếng, tên hồ, tên đầm phá lại có những huyền thoại, ẩn tích khó ai lý giải nổi. Quảng Bình có bao nhiêu loại giếng nước, hồ nước, đầm phá, công dụng, hữu ích của chúng ra sao, sự sống của chúng như thế nào, tác giả Văn Tăng sẽ phần nào cắt nghĩa những thắc mắc đó qua nghiên cứu của mình.

Trước hết, “Giếng nước, hồ nước và đầm phá trong sinh hoạt đời thường và trong tâm thức dân gian người dân Quảng Bình” đã phác họa những nét cơ bản nhất về hệ thống giếng nước, hồ nước, đầm phá ở tỉnh ta, kể cả đối với những cái tên không còn tồn tại và lùi xa vào ký ức cố nhân. Nếu là giếng nước, thì phong phú, đa dạng với giếng vùng đồng sâu, giếng vùng cát ven biển, giếng vùng gò đồi đá, đồi đất đỏ, giếng vùng núi cao, thì hồ nước chỉ đơn giản với hồ tự nhiên và hồ nhân tạo, hay đầm, phá lại thú vị với từng cách lý giải rất riêng.

Đối với mỗi loại hình, mỗi hình thức phân loại, tác giả lại đưa vào đó từng nét đặc trưng độc đáo và minh hoạ bằng chính những giếng nước, hồ nước, đầm phá của vùng đất Quảng Bình gió Lào cát trắng. Độc giả dễ dàng tìm thấy giếng Tiên quanh năm ngọt mát trên núi Thần Đinh (Trường Xuân, Quảng Ninh) gắn liền với sự tích chùa Kim Phong, giếng Lèn Ông Ngoi ở Minh Hóa với “trái cam thề” cho trai gái yêu nhau hẹn ước chung tình chung thủy, các giếng nước ngọt mát ở Lệ Kỳ, làng cổ Đặng Xá (Quảng Ninh), hệ thống giếng Chăm cổ... cho đến phá Hạc Hải kho trời vô tận, miền du ngoạn độc đáo...

Đó là không gian văn hóa quan trọng của làng xã xưa với nhiều hoạt động mang ý nghĩa cộng đồng, như: Bàu Thâm Ứ (Văn La, Lương Ninh, Quảng Ninh) có lễ hội xở cá vào Tết Đoan Ngọ hằng năm, thu hút già, trẻ, gái, trai của làng cùng tham gia bắt cá, ai bắt được cá càng nhiều càng may mắn, cá càng to may mắn lại càng nhiều.

Đặc biệt, nhà nghiên cứu Văn Tăng chú trọng đi sâu vào những chi tiết khắc họa sự bảo vệ, gìn giữ những mạch nguồn âm ỉ của người xưa và chắc chắn chúng sẽ vẫn còn nguyên giá trị đối với hậu thế.

Giếng Xoài với hơn 300 năm tuổi ở làng Đặng Xá, phủ Quảng Ninh xưa có nội quy vô cùng nghiêm ngặt, ai vi phạm tức khắc bị làng xử nặng. Ai vô ý làm rơi khăn sẽ phải vét sạch nước giếng để chờ rọ mạch nước mới. Một lần, trâu nhà ông Lý vô ý để sổng chân xuống giếng và chết, ông Lý vừa phải cho người nạo vét giếng, vừa mổ thịt trâu chia đều cho cả làng. Chính vì vậy, giếng làng trở thành nơi linh thiêng, là tài sản chung của cả làng và mọi người ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tốt.

Bên cạnh khai thác khía cạnh tâm linh, văn hóa của giếng nước, hồ nước và đầm phá, nhà nghiên cứu Văn Tăng còn đi sâu tìm hiểu, phân tích nhiều góc cạnh thú vị khác. Đó là những phương pháp tìm mạch giếng theo kinh nghiệm dân gian, cách đào hồ trữ nước mưa hay cách phân biệt giữa nguồn nước lành, nước dữ. Và thậm chí, các dụng cụ lấy nước, tải nước, trữ nước giếng, nước hồ cũng được ông tỉ mỉ hệ thống, sắp xếp khoa học, từ các loại gàu múc nước (gàu tre, gàu chằm bằng mo cau, bằng vỏ cây rừng, tấm sắt...), cần gàu, dây gàu... cho đến gióng, triêng, vò, đoộc, hũ, thùng gỗ để tải nước; thùng gỗ, vại, chum để trữ nước. Đáng chú ý là những dụng cụ “hữu dụng” luôn có gần giếng, hồ để sử dụng khi cần thiết, như: câu liêm để khi có vật rơi xuống nước thì câu lên, thang tre hay sào tre, thuyền nan để cứu người bị nạn rơi xuống nước...

Tác giả cũng kỳ công phân loại theo địa danh hơn 140 hồ nước ở tỉnh ta và đưa ra kết luận “Quảng Bình tuy là vùng đất một dải hẹp chạy dài bên núi, bên biển nhưng tài nguyên nước thì vô cùng phong phú, đa dạng. Hồ có nhiều dạng thức ở rải đều khắp từ miền núi đến đồng bằng và ven biển. Hầu như hệ thống hồ đều dựa vào thế tự nhiên để củng cố, mở rộng và phát triển ngày càng hoàn thiện hơn. Đó cũng là nét ưu việt của đất Quảng Bình”.

Việc được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam lựa chọn và đưa vào Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam, xuất bản trong quý II-2014, đã thêm một lần nữa ghi nhận ý nghĩa, vai trò của tác phẩm nghiên cứu này, qua đó, góp phần phục vụ thiết thực việc tra cứu, mở rộng hiểu biết của bạn đọc về truyền thống văn hóa giàu có, độc đáo của địa phương xung quanh những biểu tượng văn hóa làng đặc trưng.

Tuy vậy, đối với công chúng phổ thông, một bố cục tác phẩm hợp lý, chặt chẽ và khoa học hơn nữa sẽ tạo nhiều cơ hội tiếp cận, thẩm thấu hơn. Bên cạnh đó, một số giếng nước, hồ nước hay đầm phá tiêu biểu cần có sự đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, nêu bật không chỉ giá trị về văn hóa, tâm linh, mà cần bao trùm cả không gian làng xã, nông thôn và từng lớp tích lịch sử. Và cuối cùng, một vài hình ảnh, sơ đồ hay biểu đồ được sử dụng linh hoạt chắc chắn sẽ khiến tác phẩm có sức thu hút và sống động hơn rất nhiều.

Mai Nhân