.

Tiểu thuyết đầu tay của cây bút trẻ Quảng Bình

Thứ Ba, 08/07/2014, 08:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Cái tiêu đề Hồn lau trắng* làm tôi nhớ đến mấy câu thơ nổi tiếng của Quang Dũng: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ, hoa đong đưa... Không chỉ con người mà cây cỏ cũng có hồn. Nhưng “hồn lau” trong thơ Quang Dũng chủ yếu nói về linh hồn của những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến, còn “hồn lau trắng” trong tiểu thuyết của Diễm Trác vừa là tâm hồn của người đang sống, vừa là linh hồn của người đã khuất.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết Hồn lau trắng là Thôi Văn. Cuộc đời ngắn ngủi của nàng được kể lại theo trình tự thời gian và chủ yếu xoay quanh mối tình của nàng với chàng sinh viên Lâm Khánh. Cả hai đều là “người rừng”. Họ ở cách nhau chỉ vài cây số.

Đó là vùng núi đồi bạt ngàn lau trắng. Đôi uyên ương gặp nhau tình cờ trong buổi họp mặt cộng tác viên do Tòa soạn Báo Cây bút trẻ tổ chức, rồi yêu nhau tha thiết. Nhưng Lâm Khánh vì không làm chủ được bản thân đã bị “sập bẫy” Bội Cầm, khiến cho Thôi Văn hết sức đau khổ. Đúng vào thời điểm Thôi Văn quyết định tha thứ cho lỗi lầm của Lâm Khánh thì cũng là lúc căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi mạng sống của nàng. Câu chuyện chỉ có thế, nhưng Diễm Trác đã dệt nên cả “một thiên tình sử” dài ngót nghét gần 500 trang sách.

Nếu tìm hiểu, tiếp xúc với  Diễm Trác, ta dễ dàng nhận thấy giữa tác giả và nhân vật chính có đôi nét tương đồng. Tất nhiên chỉ là đôi nét thôi, còn nhân vật Thôi Văn chủ yếu là do tác giả dày công hư cấu, tưởng tượng xây dựng nên. Nhưng những nét tương đồng đó lại rất cần thiết. Nó giúp Diễm Trác dễ dàng nhập thân, hóa thân vào nhân vật. 

Diễm Trác viết Hồn lau trắng mà như đang viết về quê hương mình, những người thân trong gia đình mình, tâm trạng của chính mình. Phải là “người rừng”, tác giả mới cảm nhận cái hương vị rất riêng của loại rượu Đoác. Đó là thứ rượu “được cất ủ từ 10 loại cây thuốc quý ở miền rừng”. Đó là loại rượu “khi uống vào rất lâu say nhưng mỗi khi đã say rồi thì thật lâu mới tỉnh”.

Là “người rừng”, nên tác giả rất am tường cái công việc tìm kiếm và chặt hái cây rau ráu (loại cây có tác dụng bổ máu, chữa bệnh hen suyển, phòng ngừa hậu sản): “Rau ráu mọc thành từng lùm to, quấn chằng chịt vào nhau, phải dùng một con dao bằng thật sắc, chặt sát tận gốc rồi dùng sức kéo chúng ra, ngắt bỏ hết lá, cuộn lại thành từng bó  phơi khô, băm từng khúc, rang vàng hạ thổ rồi đóng gói mang bán”. Là “người rừng”. lại làm hướng dẫn viên du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng nên Diễm Trác đã khéo léo biến vẻ đẹp của vùng rừng núi huyền ảo này thành “không gian nghệ thuật” của tiểu thuyết Hồn lau trắng.

Những ai chưa một lần đặt chân đến động Phong Nha, động Tiên Sơn, dòng sông Son, đọc tiểu thuyết Hồn lau trắng sẽ được chiêm ngưỡng: “Những khối thạch nhũ óng ánh buông rũ xuống như những bức rèm dệt thêu kim tuyến. Xung quanh đó còn hội tụ rất nhiều khối nhũ có hình dáng giống tượng Phật Bà Quan Âm, cảnh quần tiên hội tụ, rồng phượng giao duyên”; sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh: “ngã ba sông hiện ra trước mắt mềm mại như những tấm lụa đào.

Hai bên bờ sông là những thửa ruộng xanh, vàng từng đám loang lỗ như những vệt nắng...”; sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh: “cả thung lũng được bao bọc bởi một vòng tròn của dãy núi đá vôi  trùng điệp có màu xám bạc”...

Những trang Diễm Trác tái hiện lại cơn lụt thế kỷ cũng là những trang viết của người trong cuộc. Bởi phải là người trong cuộc mới nghe thấy một cách cụ thể: “tiếng đất đá đổ ập xuống phía sau hồi nhà, rồi tiếng nứt vỡ, tiếng đổ gãy, tiếng đồ vật va vào nhau loãng xoãng lần lượt rơi tỏm xuống nước. Tất cả những âm thanh rùng rợn này cùng hòa lẫn với tiếng gào thét của ba mẹ con nàng hợp thành một cảnh tượng quái dị trong đêm tối. Mưa gió vẫn tiếp tục gào thét không ngừng, các con sông con suối ở Hác cứ cuồn cuộn đổ về, chúng hợp sức lại với nhau tạo nên một sức mạnh khủng khiếp, cuốn phăng đi tất cả mọi thứ...”.

Sáng tác văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung là hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Người xưa từng đúc kết: “Sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật”. Trong tiểu thuyết Hồn lau trắng, Diễm Trác thẳng thắn vạch trần bản chất của những kẻ yêu đương hời hợt như Vương Thành (chỉ cần phát hiện điểm khác biệt ở “vùng kín” của người yêu đã vội vàng “xa chạy, cao bay”); tham lam, ranh mãnh như Nguyệt Ánh (tìm đủ mọi cách để vơ vét, chiếm đoạt tài sản của gia đình Cao Minh Đạt); lang chạ và tinh quái như Bội Cầm (giăng bẫy Lâm Khánh)...

Nhưng phê phán chỉ là thứ yếu, tư tưởng chủ đạo của tiểu thuyết Hồn lau trắng là ca ngợi những “tấm lòng cao cả”. Bà Lê (mẹ Thôi Văn), trong trận lụt thế kỷ đã nhận về mình cái chết để cứu sống hai con. Cao Minh Đạt dẫu biết sự khác biệt ở “vùng kín” của An Nhiên vẫn mở rộng vòng tay che chở cho nàng. Bác sĩ Phùng hết lòng giúp đỡ Thôi Văn khi nàng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo...

Đặc biệt là Thôi Văn! Có thể nói Diễm Trác dồn hết tình cảm cho cô gái vùng sơn cước này. Thôi Văn “vô cùng xinh đẹp” với “làn da trắng, miệng nhỏ xinh xinh, mũi dọc dừa, mái tóc dài ôm gọn khuôn mặt trái xoan thanh tú”... Cha mất, rồi mẹ mất, một mình Thôi Văn vừa đi chặt hái cây rau ráu vừa bán hàng lưu niệm ở động Tiên Sơn tần tảo nuôi em ăn học. Nàng cắn răng chịu đựng tất cả nỗi bất hạnh của gia đình.

Bù đắp lại, Thôi Văn may mắn gặp được một chàng trai tâm đầu ý hợp. Tình yêu của họ lớn dần theo năm tháng. Các bạn trẻ chắc chắn sẽ rất đồng cảm khi đọc những trang Diễm Trác diễn tả một cách khá tinh tế những rung động đầu đời của lứa tuổi chớm yêu: “Nàng nhớ lại những giây phút đầu tiên được gặp chàng, nhớ những cử chỉ ân cần chăm sóc, nhớ ánh mắt thăm thẳm giấu sau cặp kính gọng vàng...”. 

Và đây là giây phút hết sức thiêng liêng, hết sức trọng đại đối với cuộc đời người con gái: “Thôi Văn đẫn đờ người. đón nhận câu tỏ tình đầu tiên trong cuộc đời mình với bao cảm xúc vỡ òa thay phiên nhau chế ngự. Nàng úp mặt vào ngực Lâm Khánh, những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên gò má rồi thấm ướt cả tay áo chàng...”.

Mặc dù Thôi Văn vô cùng đau khổ khi nhìn thấy một loạt hình ảnh âu yếm của Lâm Khánh và Bội Cầm, nhưng cuối cùng trước sự ăn năn, hối lỗi của Lâm Khánh, nàng đã quyết định tha thứ cho chàng: “Nàng muốn những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, nàng sẽ luôn được ở bên cạnh người mà mình yêu tha thiết” ; “nàng không muốn Lâm Khánh mang mãi trong lòng một nỗi buồn day dứt khôn nguôi”.

Biết tha thứ là đức tính mà không phải ai cũng có được. Phải hết sức bản lĩnh, phải hết sức nhân văn mới có đủ can đảm tha thứ lỗi lầm của người đã gây nên đau khổ cho mình. Điều này làm cho bạn đọc càng thêm yêu mến, càng thêm cảm phục, càng thêm thương tiếc Thôi Văn khi nàng trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh.

Trong tiểu thuyết Hồn lau trắng, hình tượng bông lau là một sáng tạo nghệ thuật tương đối độc đáo của Diễm Trác. Bông lau gợi nên vẻ đẹp hoang dã của vùng quê sơn cước. Thân lau “gầy gò, khẳng khiu nhưng chịu đựng gió, mưa, nắng, rét rất phi thường” hệt như tính cách của Thôi Văn. Bông lau chứng kiến mối tình thơ mộng của chàng và nàng:  “Nàng cùng Lâm Khánh dạo chơi khắp các thung lũng, hai người trốn tìm nhau dưới những khóm lau trắng”.

Bông lau chia sẻ nỗi đau khổ cùng với Thôi Văn: “những bông lau nặng trĩu nước cứ gục đầu xuống trông thật thê lương, buồn thảm”. Thôi Văn mất, những nhành lau trắng phủ đầy trên mộ nàng. Khi Lâm Hoàn Sinh-chính là Thôi Văn tái sinh trở lại-uống thuốc ngủ tự tử thì một tay nàng ôm bó lau trắng  ở phía trước ngực. Hình tượng bông lau có mặt xuyên suốt tác phẩm. Nó không chỉ giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về tâm hồn, tính cách của Thôi Văn mà còn làm cho tiểu thuyết Hồn lau trắng thấm đẫm chất thơ.

Tập tiểu thuyết đầu tay này Diễm Trác viết theo phong cách truyền thống. Viết theo trường phái, phong cách, trào lưu, khuynh hướng nào không quan trọng, quan trọng là viết như thế nào để truyền được những cảm xúc, ý tưởng của mình và chinh phục được trái tim người đọc. Cả thơ lẫn văn xuôi đều như thế. Tiểu thuyết là một thể loại đòi hỏi vốn sống phong phú; tầm bao quát sâu rộng; bố trí, sắp xếp các tình tiết, các tuyến nhân vật hợp lý. Quy mô và dung lượng của tiểu thuyết bắt buộc người viết phải tốn rất nhiều công sức, thời gian.

Vì là tác phẩm đầu tay nên Hồn lau trắng không tránh khỏi một số hạn chế. Giá như tác giả rút bớt đi một vài chương không cần thiết; giá như ngôn ngữ nhân vật tự nhiên hơn, có bản sắc hơn; giá như tác giả tạo cho mình một giọng tự sự riêng; giá như ; giá như... Nhưng vừa mới chập chững bước vào làng văn mà Diễm Trác đã dám chọn thể loại tiểu thuyết để thử bút lực mình cũng là điều rất đáng nể phục.

Có thể nói với tiểu thuyết Hồn lau trắng, Diễm Trác đã “dâng hiến hết mình, vắt kiệt hết trí lực và sự rung cảm của con tim để viết, để sáng tác”.

Mai Văn Hoan

------------------------------------------------------
"*" Nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 2014