.

Ông Dế mèn không bé nhỏ!

Thứ Sáu, 18/07/2014, 15:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiếm người được như ông, với tác phẩm đầu tay đã thành người viết văn chững chạc, có phong vị riêng, sống động và độc đáo từ cuối những năm ba mươi của thế kỷ trước. Tôi tin rằng, ai đã đọc tác phẩm ấy của ông, dù một lần hay nhiều lần đều thích thú, đều nhớ mãi các nhân vật trong sách.

Tôi cũng vậy, đọc sách ông từ hồi con nít, cho đến bây giờ gần tuổi lục tuần vẫn cứ nhớ tình cảm anh em kết nghĩa theo kiểu Lưu-Quan-Trương trong Tam quốc diễn nghĩa của Dế Mèn-Dế Trũi, nhớ chị Cào Cào áo xanh áo đỏ đỏm dáng lắm lời, nhớ chú Xiến Tóc trầm lắng nhưng tính khí thất thường mai nắng chiều mưa...rồi Bọ Ngựa kiêu căng, Ếch thông thái dởm, Cóc hoắng huýt, Chim Chả Non công tử bột...

Bắt đầu bằng sự ngông ngạo của tuổi trẻ, trải qua những cảnh huống khó lường với bao may rủi, trả giá, cuộc phiêu lưu của Dế Mèn đã cuốn hút được hàng triệu con người trên hành tinh này. Điều đáng nói là cuối cùng những điều tốt đẹp, cái cao cả, ý nghĩa đích thực của cuộc sống bao la nhưng vô cùng hỗn tạp đã được nhận ra, được đề cao. Tôi nói tới đây, chắc các bạn đã biết ông là ai và tác phẩm nổi tiếng ấy là gì rồi. Ông là nhà văn Tô Hoài, còn tác phẩm rất nổi tiếng ấy (được dịch ra khoảng 40 thứ tiếng trên thế giới) chính là Dế Mèn phiêu lưu ký, “người bạn” thân thiết của tuổi thơ chúng ta.

Nhắc đến Tô Hoài không thể không nói tới Dế Mèn phiêu lưu ký của ông. Có người ví rằng Tô Hoài là chú Dế Mèn vĩ đại đã vỗ cánh kiêu hãnh trên nhiều miền đất đó đây. Nói như thế, nhưng đừng ai nghĩ rằng Tô Hoài ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký không còn gì đáng kể nữa. Nói thế, ông mắng chết. Nghề viết đối với ông tựa hồ như một cuộc chạy ma ra tông trên con đường văn chương hun hút.

Ông viết văn từ rất sớm, bằng tài năng trời cho, vì mục đích cao đẹp của người cầm bút nhưng cũng bị hối thúc bởi kế sinh nhai như nhà văn từng tâm sự: “Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba mươi năm trước Cách mạng tháng Tám, 1945 mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế Mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, vương vãi lung tung tôi không nhớ hết. Cũng chẳng có gì lạ. Viết để kiếm miếng sống lúc ấy tất phải cuốc khỏe như vậy đấy.” Đúng là ông, Tô Hoài. Không cao giọng, chẳng ồn ào.

Nói về cuộc đời hay viết sách đều có vẻ tự nhiên, nhẹ nhàng như thế. Phải chăng, cuộc sống đã chọn ông để diễn giải, đơn giản hóa, hồn nhiên hóa về mình. Ông viết văn bằng sự quan sát cuộc sống rất tinh anh và diễn đạt nó bằng sự tinh tế khôn ngoan hiếm thấy. Văn ông đầy hồn vía, gợi cảm, chỉ là tả chú Mèo mướp thôi mà nó cũng phải thế này: “...lừ đừ nghiêm nghị tựa một thầy dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào cũng nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm...” Còn họ hàng nhà chuột dưới ngòi bút Tô Hoài phải là:.. “ngơ ngác nhìn quanh quẩn. Như là họ hít phải cái không khí lạ. Như là họ chẳng quen bò giữa nơi khoáng đãng. Và họ lại nối đuôi nhau, tha thẩn, từ từ bò vào, cũng như lúc bò ra...”

Ông có một số lượng tác phẩm đáng nể. Nhà văn Tô Hoài đã xuất bản và in lại nhiều lần gần 200 đầu sách cho đối tượng bạn đọc là người lớn và thiếu nhi. Ta có thể kể ra đây các tác phẩm tiêu biểu của ông như Dế mèn phiêu lưu ký (1941); Quê người (1941); O chuột (1942); Cỏ dại (1944); Nhà nghèo (1944); Truyện Tây Bắc (1953); Mười năm (1957); Miền Tây (1967); Nhật ký vùng cao (1969); Quê nhà (1969); Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ (1980); Đảo hoang (1980); Chuyện cũ Hà Nội (1980); Cát bụi chân ai (1992); Chiều chiều (2000); Ba người khác (2006)...

Sách của ông có không ít bạn đọc, kể cả sách viết cho trẻ con hay người lớn, đặc biệt là những cuốn giàu chất văn học. Người ta tìm thấy trong nhiều tác phẩm của ông hiện thực cuộc sống, hình ảnh xã hội Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Có khi ông mượn loài vật để nói về con người theo thủ pháp nhân cách hóa đã đạt tới độ nhuần nhuyễn và lấp lánh tài hoa như Dế Mèn phiêu lưu ký, O chuột..., có khi là những mảng hồi ức về quá khứ vô cùng sinh động như Chuyện cũ Hà Nội, Cát bụi chân ai, Chiều chiều hay Ba người khác. Ông có tác phẩm văn xuôi làm cho bạn đọc nhiều thế hệ quen mặt thuộc tính những nhân vật trong đó như Vợ chồng A Phủ. Một nhà văn giỏi quan sát, vừa nhiều trải nghiệm, có vốn sống phong phú vừa tài hư cấu, tưởng tượng và lối hành văn gợi cảm, gợi tình, uyển chuyển giàu hình ảnh như Tô Hoài không nhiều lắm ở nước ta.

Tôi có cảm giác ông viết cái gì cũng đọc được, cũng thấp thoáng cái duyên của người kể chuyện hay. Ta tìm thấy trong các tác phẩm của ông những giá trị nhân văn; đó là sự cảm thông với số phận con người nghèo khổ, bị chèn ép, là việc đề cao tính trung thực, lương thiện thương người như thể thương thân, là tinh thần nghĩa hiệp ra đường thấy bất bình chẳng tha, sẵn sàng che chở, bênh vực, bảo vệ kẻ yếu...

Thế mà, đã có nhà thơ rất nổi tiếng trong dòng văn học lãng mạn Việt Nam 1930-1945 đã cho rằng văn Tô Hoài không có tính tư tưởng. Phải chăng, như nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên lý giải: Theo tôi, quan sát kỹ thấy hầu hết các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài đều có chung một đặc tính nổi trội là viết rất tự nhiên về những cái đời thường, mà ông quan sát thấy, bằng một lối diễn đạt nôm na và dân dã, đến mức người đọc rất khó nhận biết ông định nói gì, nên nhầm tưởng rằng ông không có tư tưởng, chỉ nói tếu táo cho vui. Nhưng nếu xâu chuỗi lại tất cả những điều ông nói thì mới thấy ông giấu tư tưởng vào những chuyện đời thường, khá đơn giản và rất tinh quái. Điều này thể hiện rõ nhất ở Dế mèn phiêu lưu ký, Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Ba người khác, Giấc mơ ông thợ dìu.

Tôi đồng tình với ý kiến trên của Đỗ Ngọc Yên. Rõ ràng, tư tưởng nhà văn nằm trong hình tượng nhân vật, diễn đạt chính xác hơn là nó được giấu kỹ trong nhân vật. Thông qua ý nghĩ, cảm xúc và hành vi của nhân vật ta sẽ đọc được những thông điệp mà người viết gửi gắm trong đó.

Thiết nghĩ nên nói thêm điều này, cái hay của văn Tô Hoài là sự giản dị hồn nhiên, ông viết văn như ta hít thở không khí, ăn cơm, uống nước vậy. Chất hóm hỉnh tinh đời cũng là một đặc điểm dễ thấy ở văn ông và cái sự sắc sảo tinh quái ở Tô Hoài cũng không thiếu. Quả là, Trời cho ông hơi bị nhiều, viết thì ngọt lẹm mà vẫn cứ nhẹ nhàng như không.

Tô Hoài xứng đáng là một cây đại thụ trong làng văn Việt Nam. Tuổi nghề và tài văn của ông minh chứng rõ ràng cho điều đó. Ở nước ta không phải không có nhà văn tên tuổi nhưng tác phẩm văn chương cũng làng nhàng, càng để lâu càng thấy họ óp lép so với danh hiệu được mang. Tô Hoài thì khác, cuộc đời và tác phẩm văn chương của ông chứng tỏ một tài hoa đích thực, phần là trời cho, phần là do sự lăn lộn trong cuộc sống và lao động nghệ thuật nghiêm túc bền bĩ.

Ông viết văn từ năm 1940 khi mới 20 tuổi và đã từng làm phóng viên báo Cứu Quốc của Tổng bộ Việt Minh (1945-1952), đã công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội, nguyên là Tổng Thư ký, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Tô Hoài cũng đã nhận được các giải thưởng văn học quan trọng như Giải Nhất tiểu thuyết Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956 (Truyện Tây Bắc); Giải A của Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1967 (Quê nhà); Giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á Phi năm 1970 (Miền Tây); Giải thưởng Thăng Long của UBND thành phố Hà Nội năm 1980 ( Chuyện cũ Hà Nội); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên, năm 1996.

Tên khai sinh của Tô Hoài là Nguyễn Sen. Ông sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920. Nguyên quán: thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Nhưng tuổi thơ ông sống ở quê ngoại gắn liền với con sông Tô Lịch ở làng Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy nên nhà văn lấy bút danh là Tô Hoài. Ngoài ra ông còn có nhiều bút danh khác như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Phạm Hòa. Không ít người gọi nhà văn Tô Hoài là Ông Dế Mèn bởi quá yêu thích tác phẩm đầu tay rất nổi tiếng của ông. Tôi cũng muốn gọi nhà văn Tô Hoài như thế, nhưng đây là Ông Dế Mèn không bé nhỏ nếu chưa muốn nói là vĩ đại.

Ông Dế Mèn không bé nhỏ vừa về cõi người hiền ở tuổi 95 nhưng tôi tin cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông còn sáng tỏa lâu dài:          
Chín lăm tuổi thoát dương
Sau nghìn trang văn đẹp
Sen còn tỏa ngát hương
Cho Dế Mèn hát tiếp...

Nguyễn Hữu Quý