.

Mùi quê...

Thứ Tư, 30/07/2014, 14:13 [GMT+7]
Cá trích nướng than hoa, món quê gợi nhớ.
Cá trích nướng than hoa, món quê gợi nhớ.

(QBĐT) - Sáng, nghe bạn ngâm nga "Đốt than nướng cá cho vàng/Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi", tự nhiên mùi quê ùa về, xộc vào mọi ngõ ngách tâm hồn...

Mùi quê xa lơ xa lắc. Ấy là những buổi chiều muộn, hàng xóm đi biển về qua ngõ, tay xách một dải lưới được túm lại, thò đầu vào hỏi thích ăn món chi. "Món chi" thuở ấy bao gồm tôm hùm, ghẹ, đẻn, cá trích, cá mòi..., thứ quẫy đạp, thứ tươi căng trong lưới. Mỗi bữa hàng xóm đi qua ngõ, bếp nhà lại thơm một món ăn mới. Và cả xóm nhỏ cũng dậy mùi thơm. Cảnh "Đốt than nướng cá cho vàng/đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi" mà bạn ngâm nga, đích thị là kể chuyện cố hương những ngày xa xưa ấy...

Rồi những sớm tinh sương ngày tháng sáu. Bãi biển lô nhô bóng người cao lênh khênh trên những cây cà kheo. Ấy là người xóm chài đi cào ruốc. Khi mặt trời bắt đầu lên, làng chài dậy mùi ruốc tươi.

Con ruốc to được mang phơi, đợi khi tháng ba ngày tám mưa sa nước sỉa mang ra nấu canh với khế chua trong vườn. Con ruốc nhỏ mịn thì để muối, cho vào cối giã xong đem giang nắng mùa hè. Đến tháng tám, tháng chín ruốc dậy mùi thơm ngào ngạt. Nấu canh mồng tơi, rau ngót cho tí ruốc vào, chẳng cần tôm thịt mà bữa cơm mặn mà, ngon ngọt. Đơn giản hơn thì chấm cà, dưa chuột, khế chua, tốn cơm chi lạ. Nên người làng chài thường so sánh “Ruốc tháng sáu máu rồng” bởi độ ngon ngọt đậm đà khó cưỡng...

Và mùi quê là những buổi chiều trẻ con rủ nhau đi cào chép biển. Đi tới đi lui dọc theo chân sóng, vai mang cái túi được mẹ may từ những mảnh lưới cũ. Vừa cào chép vừa bảo nhau sau này tao thích làm cô giáo để dạy bọn trẻ làng mình. Đứa mơ màng chắc tao sẽ ra nước ngoài, kiếm nhiều tiền về xây nhà to cho ba mẹ, xong cưới đứa con gái đẹp nhất làng mình. Đứa nữa bảo tao chẳng thích đi đâu, cứ ở làng đôi khi lại hay. Mấy đứa bây cứ bay nhảy, mai mốt về quê đã có sẵn tao ở nhà đợi rồi đãi đằng cá tôm cua mực. Vợ tao chắc cũng giống mấy chị, mấy mẹ, chiều chiều đợi thuyền về bến rồi đi bán cá.

Tối về hai vợ chồng tao với mấy đứa con trải chiếu ăn cơm ngoài sân đầy trăng. Ăn xong thì cả nhà ôm nhau ngủ bằng gió biển mà chẳng cần quạt điện như ở thành phố... Ờ, mới nghe mà đã thấy nôn nao rồi!

Ờ, mới nghe mà đã thấy nôn nao. Cho đến cả nhiều chục năm sau đó, nhớ lại mấy chuyện này, lòng vẫn còn nôn nao như thể mới hôm qua. Trong đám bạn bè ấu thơ đi cào chép biển ấy, có đứa thành cô giáo, có đứa ra nước ngoài làm ăn xong về xây nhà to và dùng máy lạnh thay cho quạt điện (chỉ có điều vợ đứa đó không đẹp nhất làng như mong ước). Nhiều đứa ở làng thành ngư phủ lão luyện, chiều chiều có vợ ra bến cá ngồi đợi rồi dắt díu nhau về, trải chiếu ăn cơm ngoài sân đầy trăng với lũ con trai con gái và ôm nhau ngủ bằng gió biển. Những bữa cơm nồng nàn mùi cá trích cá mòi, ríu ran tiếng cười và ấm nồng như câu mà sáng nay bạn ngâm nga “Đốt than nướng cá cho vàng/Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi”...

Để rồi trong bữa tiệc ngày tái ngộ, đứa ngồi phòng máy lạnh, đi xe hơi chợt ngẩn ngơ ngó đứa ở làng, bảo hóa ra mày là đứa sung sướng, hạnh phúc, chả phải lo lắng bon chen. Ở phố, đến cái chuyện đơn giản nhất như nướng cá, nướng mực cũng chẳng được như ý. Cá mực muốn ngon phải nướng bằng than hoa, chứ lò nướng với cả lò vi sóng thấy cứ thiêu thiếu. Chưa kể ở quê còn được ngồi bên hiên nhà ngắm vợ tóc búi cao, mặt ửng hồng quạt than nướng cá, xong tong tả xách chai đi mua rượu về. Hai vợ chồng với mấy đứa con vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon. Trời ạ, cảnh ấy ở phố trăm năm cũng đừng mơ...

Rồi cứ mơ màng như vậy cho đến khi tiệc tái ngộ tàn canh. Đứa ngủ bằng gió biển tiễn đứa máy lạnh ra về, thủ thỉ, coi vậy chứ ở làng cũng nhiều vất vả. Mùa biển động vợ chồng con cái lo lắng không yên. Tôm cá trốn biệt tăm, vợ chồng đôi khi cũng tiếng bấc tiếng chì, trăng không còn sáng để cả nhà ngồi ăn cơm ngoài hiên mỗi tối... Đôi khi tao cũng ước được như mày, đi xe hơi, ngồi phòng máy lạnh, con cái học hành giỏi giang, nói tiếng nước ngoài như gió...

Rồi cứ thế tiễn nhau đi hết đoạn đường. Kịp nhận ra rằng trong mỗi người đều có những giấc mơ thầm kín. Những giấc mơ đưa người đi xa khỏi làng chài bé nhỏ. Và cũng những giấc mơ ấy mang người trở về chốn cũ. Để rồi hồ hởi đón chào nhau giữa mùi quê nồng nàn, như thể chưa từng chia xa...

Mùi quê, đi khắp gầm trời chẳng thể lẫn vào đâu!

Diệp Đồng