.

Khi nhà nông thi đua xây dựng đời sống văn hóa

Thứ Hai, 21/07/2014, 09:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã xây dựng nhiều phong trào thi đua cụ thể, thiết thực. Từ các phong trào nông dân thi đua xây dựng đời sống văn hóa, sản xuất kinh doanh giỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, sản phẩm nông nghiệp và tiết kiệm chi phí sản xuất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn của toàn tỉnh.

Xác định tầm quan trọng của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều phong trào thi đua gắn với cuộc vận động. Bám sát các nghị quyết của cấp trên, các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, Hội Nông dân đã tập trung đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xem đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng về xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Các cấp Hội đã vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các địa phương chú trọng thực hiện, những diện tích đất trồng lúa hè-thu kém hiệu quả đã được bà con chuyển sang trồng đậu đỗ, dưa hấu... đưa lại nguồn thu nhập đáng kể. Một số cây trồng khác như ớt, sắn nguyên liệu đã có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân. Người dân đã chú trọng đến việc sử dụng cơ giới hóa với các loại máy chủ đạo như máy gặt đập liên hợp, máy làm đất để tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi có quy mô lớn với các loại gia súc, gia cầm được ưa chuộng trên thị trường như  bò lai sind, dê, hươu, gà kiến, cá nước ngọt và nuôi ong lấy mật... Kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về ngành nghề, dần khẳng định là mô hình sản xuất hàng hoá có hiệu quả.

Chuyển đổi vườn tạp thành các mô hình kinh tế trang trại, trồng rừng  đang phát huy hiệu quả kinh tế ở nhiều địa phương.
Chuyển đổi vườn tạp thành các mô hình kinh tế trang trại, trồng rừng đang phát huy hiệu quả kinh tế ở nhiều địa phương.

Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu trong mỗi hội viên, nông dân. Các hộ nông dân ngày càng tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa các giống mới, đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phong trào còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong mỗi hội viên, nông dân.

Các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể địa phương triển khai chương trình xóa nghèo có địa chỉ. Theo đó những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tự nguyện giúp đỡ những hộ nghèo vươn lên làm kinh tế. Với sự giúp đỡ cây con giống, kinh nghiệm sản xuất, công lao động... đã mở ra cơ hội cho nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống.

Phong trào thi đua học tập lao động sáng tạo được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Không chỉ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi, ngày càng có nhiều hộ dân tự tìm tòi kiến thức từ sách báo, mạng internet để chủ động ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, chăn nuôi.

Nhờ vậy xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình văn hóa. Tiêu biểu cho phong trào này là các mô hình kinh tế của anh Võ Đại Nghĩa (Hải Ninh, Quảng Ninh), Lê Xuân Ngọc (Tân Thủy, Lệ Thủy), Dương Thị Hạnh (Tây Trạch, Bố Trạch), Nguyễn Xuân Thiết (Hương Hóa,Tuyên Hóa), Đinh Hữu Ân (Phúc Hóa, Minh Hóa)...

Khẳng định nông dân là chủ thể trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội và từng hội viên nông dân đã cụ thể những nội dung, từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Nét nổi bật của phong trào là người dân đã tự nguyện hiến đất, hiến vườn đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi khác, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp Hội Nông dân triển khai đồng bộ hiệu quả. Hằng năm có 100% chi hội tổ chức cho hội viên đăng ký gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nhờ xây dựng và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực trên mọi lĩnh vực. Làng quê đổi mới, kinh tế phát triển ổn định, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, an ninh quốc phòng được giữ vững...

Hiện tại, có trên 65% hộ nông dân trên toàn tỉnh được công nhận là gia đình văn hóa, nhiều khu dân cư và gia đình văn hóa tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng.

P.V