.

Người Quảng Sơn ăn trầu

Thứ Hai, 30/06/2014, 07:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ ngàn xưa, ông cha ta đã có câu: "Miếng trầu là đầu câu chuyện". Trầu cau đã đi vào tâm thức của người Việt Nam và trở nên gần gũi, thân quen với mỗi gia đình. Nhắc đến trầu cau, người ta lại nhắc đến tục ăn trầu. Riêng đối với người dân xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, dẫu không biết tục ăn trầu có từ bao giờ nhưng đối với họ trầu cau đã đi vào cuộc sống hàng ngày  và trở thành người bạn tâm giao.

 

Trầu cau đã đi vào tâm thức của người dân Việt Nam và trở nên gần gũi, thân quen với mỗi gia đình.
Trầu cau đã đi vào tâm thức của người dân Việt Nam và trở nên gần gũi, thân quen với mỗi gia đình.

Xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn là một vùng quê hiền hòa nằm bên dòng sông Nan. Cũng như nhiều gia đình nông thôn khác, sau thời kỳ gieo sạ lúa, ông Trần Ngọc Dũng lại sửa soạn và dọn dẹp lại nhà cửa, nương vườn. Vừa làm việc, ông vừa bỏm bẻm nhai trầu. Với ông, nhai trầu là thói quen và thói quen này đã theo ông ngót chục năm.

Theo một số người dân địa phương, điều rất lạ là ở thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn có 71 hộ dân thì hơn 70% số hộ ở đây có thói quen ăn trầu, trong đó phần lớn là đàn ông. Miếng trầu luôn theo mỗi bước chân của họ, khi vào rừng lấy củi, hay khi ra đồng trồng lúa, trỉa ngô. Ông Trần Ngọc Trung, Chủ tịch Hội CCB thôn Hà Sơn, cũng là một người thường xuyên ăn trầu. Gia đình ông là nơi tụ họp của anh em cựu chiến binh và bà con lối xóm bên sông Nan này. Và mỗi ngày, bên chiếc bàn, chén nước, khay trầu đã giúp họ chuyện trò thêm vui vẻ, tình làng nghĩa xóm từ đó cũng bền chặt hơn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn biết ở thôn Bắc Sơn, xã Quảng Sơn có gia đình ông Hồ Thủy 72 tuổi và bà Đinh Thị Thuận 61 tuổi, cả hai ông bà đều ăn trầu. Ông Thủy vốn là cán bộ bưu điện về hưu. Thời còn đi làm, ông vốn nghiện thuốc lá. Sau một đợt ốm nặng, bác sỹ khuyên ông không nên hút thuốc nữa, thế là ông chuyển sang ăn trầu. Vườn nhà rộng, vợ chồng ông Thủy tự trồng cau lấy quả, tự trồng lá trầu để têm.

Theo ông Thủy, trầu cau ông bà sử dụng vừa sạch, vừa dân dã và lại không tốn tiền. Không chỉ có gia đình ông Thủy, ở xóm Bắc Sơn có cả một nhóm bạn già ăn trầu thường gặp mặt để đàm đạo thế thái nhân tình. Bên khay trầu, chuyện văn chương, chuyện làng nước dường như hấp dẫn hơn, sôi động hơn.

Điều mà chúng tôi thấy thú vị nhất khi đến xã Quảng Sơn đó là được chúng kiến tập tục ăn trầu vẫn còn lưu giữ và ngày càng phát triển ở đây. Người trẻ ăn trầu để không hút thuốc lá, các cụ ông, cụ bà ăn trầu vì vị cay nồng  làm ấm người. Cụ bà Phan Thị Thảo, thôn Bắc Sơn tâm sự với chúng tôi: Mỗi khi ăn trầu, chúng tôi luôn nhớ về thời tuổi trẻ đi làm hợp tác xã, cùng chia nhau miếng trầu cau trong những ngày đông lạnh giá.

Từ câu chuyện ăn trầu ở xã Quảng Sơn, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số nhà nghiên cứu văn hóa trên địa bàn tỉnh và được biết thêm: Trầu cau có ý nghĩa rất lớn trong đời sống người dân Việt Nam và tập tục ăn trầu vẫn hiện diện trong rất nhiều làng quê ở Quảng Bình, đặc biệt là tại các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch và một số địa phương của huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới.

Khi ăn trầu, người ta có thể cảm nhận được sự hòa quyện giữa vị cay của lá trầu, vị ngọt của cau, vị nồng của vôi và đã tạo nên một hương vị rất đặt biệt. Người ăn trầu lần đầu có thể say, nhưng sau đó quen dần. Theo đông y, ăn trầu còn có lợi ích thơm miệng, chắc răng, hạ khí, tiêu cơm. Vì gần gũi với đời sống người dân như vậy nên trầu cau đã được miêu tả qua những câu tục ngữ, ca dao ý nhị, rất đời thường nhưng cũng rất nghệ thuật.

Có lẽ, không chỉ có người dân Quảng Sơn bây giờ vẫn còn yêu thích món trầu cau mà tại nhiều vùng quê ở Việt Nam, người dân vẫn thiết tha gắn bó với món trầu cau cổ truyền của dân tộc. Món trầu cau dân dã thấm đượm tình quê vẫn luôn được người dân đón nhận, và đó cũng là nét văn hóa mà người Việt Nam cần gìn giữ và phát huy.

P.V