.

Ký ức những ngày chưa xa

Thứ Hai, 30/06/2014, 13:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Chưa xa! Là với những người hay hoài niệm với quá khứ, chứ thực ra đã tròn một phần tư thế kỷ, thời gian đủ cho một số phận sinh-trưởng và thành đạt. Vậy mà cứ như vừa... hôm qua.

Những ngày cuối tháng sáu năm 1989, trong cái nóng khô muôn năm của miền Trung, Đồng Hới đang thiu thiu trong trạng thái đợi chờ vô vọng của một thị xã bị lãng quên, cỏ dại bời bời ngổn ngang gạch vỡ ngói vụn bỗng sôi lên như một tổ kiến khổng lồ.

Có tới hàng chục, không, phải là hàng trăm lượt xe mỗi ngày từ phía nam hối hả chạy ra đổ xuống những đồ gia dụng mà... có thể từ 13 năm trước đó, trong hào khí ngút trời của chiến thắng và chủ trương “về trong một nhà” của ba tỉnh Bình-Trị-Thiên, chủ nhân của nó đã kỳ công vận chuyển đóng góp vào vốn tài sản chung.

Nhưng hề chi! Vấn đề là đã trở về những đứa con với khát vọng tái thiết quê hương. Chỗ ở cho xấp xỉ một vạn người nam phụ lão ấu trong cái nắng như rang và đang dự báo những cơn mưa đầu mùa sắp đổ xuống. Cần phải gọi ra đây với tâm thế biết ơn một cái tên, một chân dung của một vị lãnh đạo thị xã mà bây giờ đã về cõi vĩnh hằng: Ông Nguyễn Xuân Chàm-Chủ tịch ủy ban nhân dân. Giọng ông trầm ấm mộc mạc, phong cách thân tình giản dị, ở đâu có ông đến là ở đó người dân mở lòng, cơ quan công sở mở rộng cửa cho người về tá túc.

Sáu giờ sáng ngày 1-7-1989, không gian Đồng Hới vang lên giai điệu ca khúc Quảng Bình quê ta ơi bất hủ đến thời điểm ấy đã tròn 25 năm ra đời: Đài phát thanh Quảng Bình chính thức phát sóng. Báo Quảng Bình ra số đầu tiên và lập tức được cán bộ nhân dân hào hứng đón nhận.`

Có vẻ như cần chừng nửa tháng để mọi người ổn định mái ấm những ngôi nhà che tạm. Ngày 15-7, kỷ niệm 40 năm Quảng Bình quật khởi hạ sơn đánh Pháp  (15-7-1949-15-7-1989) tiến hành hội nghị cốt cán toàn tỉnh tại Đồng Hới. Phải từ rất lâu, cơ chừng cũng đúng 40 năm, cái sự tập trung ý chí, tình cảm của đội ngũ đại diện cho sức mạnh cả tỉnh mới quy tụ lại và thể hiện rõ nét đến thế.

Trước đó hai ngày, ngày 13-7, có một con người ra đi mà cho đến bây giờ và có thể cả sau này lâu nữa người Quảng Bình quê ta còn ngậm ngùi khi nhắc đến công lao của ông: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, tác giả của nhiều công trình kinh tế nông nghiệp được thực hiện ngay trong thời điểm đang chiến tranh phá hoại ác liệt.

Lại nói, sau hội nghị cốt cán toàn tỉnh là những chuyển động đầu tiên của công cuộc tái thiết quê hương: thông qua bản quy hoạch xây dựng thị xã tỉnh lỵ và bước đầu xây dựng ý tưởng tổng thể cho một nền kinh tế xã hội Quảng Bình trong chừng mười năm, tầm nhìn chừng hai mươi năm. Hội nghị “nguyên đại biểu hội đồng nhân dân Bình-Trị-Thiên” khu vực Quảng Bình gồm 45 đại biểu bầu ra các chức danh chính quyền tỉnh.

Đồng Hới hôm nay. Ảnh: T.H
Đồng Hới hôm nay. Ảnh: T.H

Đồng chí Trần Sự-Chủ tịch UBND tỉnh công bố thông qua bản quy hoạch xây dựng đô thị Đồng Hới với ý tưởng chưa có tiền lệ: Mọi gia đình đều có thể được cấp đất xây dựng nhà riêng với sự hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi của tỉnh. Những tuyến đường đất đầu tiên hiện rõ hình hài. Những ô đất được cắm tiêu định vị, và rồi, Đồng Hới thành một công trường xây dựng. Những đường nét dần dần tạo nên hình hài, những hình khối dần dần tạo nên chân dung, sắc diện của một thị xã tỉnh lỵ. Công sở, trường học, nhà riêng...

Vụ hè thu năm ấy được mùa, đông xuân năm 1990 cũng trúng vụ. Ở đâu đó trong trong các khách sạn quán ăn đã vang lên tiếng chạm ly chạm cốc. Và tiếng hát, những ca khúc của một thời khói lửa, một thời “Quảng Bình quê ta, biển khơi vang hát câu ca ơ rằng...”, khúc hát “Đã từ lâu anh chưa về Nhật Lệ, nhớ biển nhớ rừng nhớ sông nhớ núi... Đã từ lâu anh chưa về Nhật Lệ, chẳng biết giờ những gì đổi thay...”.

Và, một lần nữa, người Quảng Bình lại làm một phép chứng minh như 25 năm trước đã nêu lên một định đề rất tự tin: “Nếu ai hỏi vì sao...? Thì xin trả lời, rằng... vâng! Câu trả lời ấy người Quảng Bình đã thực hiện 25 năm, để hôm nay có một thành phố tỉnh lỵ sánh ngang ngửa với các thành phố ấn tượng trong cả nước, có những vùng kinh tế công nghiệp mạnh mẽ, những vùng chuyên canh lúa ổn định, một vùng di sản hấp dẫn...

Còn nhớ, trong hội nghị cốt cán toàn tỉnh đã kể trên đây vào ngày 15-7-1989, không gian hội trường vang lên bài đồng ca “Quảng Bình quê ta ơi”, nhạc sĩ Hoàng Vân là khách mời danh dự đã hứa sẽ sáng tác một bài Quảng Bình ca thứ hai có thể hay hơn. Nhưng, văn chương nghệ thuật mênh mông không dễ gì vượt được ngọn núi cao vừa chinh phục. Nhưng hề chi! Chúng ta đã có một Quảng Bình đất và nước đơm hoa, chính là bài ca muôn thuở.

Kỷ niệm 410 năm hình thành phát triển, dải đất hẹp “như không thể hẹp hơn được nữa” này đã phổng phao cường tráng hơn rất nhiều. Năm 1989, cuối mùa đông, khi mới vừa dựng tạm được túp lều che mưa nắng trên đường Dương Văn An, nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng bèn trồng một cây phượng nhỏ. Cây phượng mong manh trong gió rét nhưng vẫn đứng vững tới mùa xuân.

Đến bây giờ phượng đã thành cổ thụ mỗi năm hè về lại trổ hoa đỏ rực một góc phố. Cũng năm ấy, bên nhà láng giềng của tôi có người mẹ trẻ trở dạ sinh một cháu gái. Mười tám năm sau, năm 2007, bé vào đại học, bốn năm sau ra trường. Năm 2012, tôi tham dự lớp bồi dưỡng lý luận chính trị ngắn ngày lại gặp bé ngồi cùng bàn. Bế giảng lớp học, hai chú cháu vinh dự cùng đạt điểm tối ưu, nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc.

Ôi, thời gian như bóng câu qua cửa sổ, loáng cái một phần tư thế kỷ trôi qua. Những hình ảnh, những âm thanh, kỷ niệm những ngày đầu tái lập tỉnh đã lùi dần vào ký ức, vừa hào hùng vừa như có chút bi tráng, nhưng một đời người có quãng sống can dự vào những sự kiện ấy cũng thú vị lắm thay. Nó như một thứ hành trang phi vật thể theo ta đi cùng năm tháng, nâng đỡ ta khi trái gió trở trời, trong mưa nguồn chớp bể, điều mà ta thường gọi là niềm tự hào truyền thống quê hương giúp ta mạnh bước giữa đường đời.

Đồng Hới 28-6-2014
Nguyễn Thế Tường