.

Thân thương hai tiếng Quảng Bình

Thứ Sáu, 18/04/2014, 16:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Thơ! Gần đây có vẻ lạm phát, mất giá, người người làm thơ, làng làng làm thơ. Nhưng, khác với học hàm học vị, cũng lạm phát nhưng thơ và văn học nghệ thuật vẫn luôn có chức năng mà xã hội không thể thiếu là xây dựng và giữ gìn nhân cách con người. Hãy nghe lại bốn câu thơ tưởng giản dị sau đây để giật mình:

"Quê hương mỗi người chỉ một

 Như là chỉ một mẹ thôi

 Quê hương nếu ai không nhớ

 Sẽ không lớn nổi thành người"

Cảnh báo và cảnh cáo! Những ai "Giang hồ mê chơi quên quê hương" hay chối bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Một tập thơ "hàng huyện" (Quảng Ninh) mới xuất bản chào mừng 410 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Bình có hai câu của tác giả Trần Văn Chường rất ấn tượng:

"Tóc xanh rời vòng tay mẹ

Pha sương quày quả tìm về"

  Về với mẹ là về với quê hương. "Quày quả" là vội lắm, vội đến luống cuống, tâm bất an, không về không chịu nổi. Có lẽ trong mỗi đời người đều có những lúc "luống cuống" là lần đầu tiên được bạn gái hẹn hò và thời khắc tìm đường về với mẹ, với quê hương.

Thằng tôi rời quê hương từ năm 15 tuổi. Năm 1967, giữa tơi bời bom đạn của không lực Hoa Kỳ, từ ngôi làng nhỏ bên tả ngạn Kiến Giang, lần đầu tiên đôi bàn chân lấm bùn được xỏ vào đôi dép cao su loại bốn quai, tôi lên đường, đi một mạch ra Bắc: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Giang, nhập ngũ lại lộn về Quảng Trị, trở ra Hà Nội rồi "vùng" về Huế... làm công ăn lương. Ba mươi hai năm, chưa một lần dừng lại ngó nghiêng chiêm nghiệm dải đất nghèo sau "Hoành sơn nhất đái", rắn câng như một khúc khoai mài...

 Đồng Hới soi mình bên bờ Nhật Lệ - Ảnh: T.H
Đồng Hới soi mình bên bờ Nhật Lệ - Ảnh: T.H

Tưởng là yên vị với cố đô! Giáp "tứ thập nhi bất hoặc", như một cơn lốc, tháng 7/1989, tôi cùng cả vạn người cuồn cuộn ào về Đồng Hới.  "Người về như nước/ Chổi cùn rế rách/ chúng con hồi hương/ khi đầu chớm bạc/ một thời Mẹ dạy con: Đừng tham hạt bụi trên bàn người khác/ Vi nhân nan! Vi nhân nan! Không lên lương chẳng tiến quan/ May mà chưa thành tướng cướp/ Con mang về câu hát ru xưa..."

Đó là tôi làm thơ trong cơn lốc. Hết thơ thì lo "dựng lại mái nhà xưa". Yên ổn mới lần hồi coi thử Quảng Bình quê ta có chi đây?! Có phá Hạc Hải, lũy Thầy, Đại Linh giang... Gọi tên cổ Đại Linh giang cho thêm phong vị- sông Gianh, phà Gianh, Quán Hàu, Long Đại... một thời ai đi qua, còn sống mới là chuyện lạ. Tưởng như quê mình chỉ mạnh về di tích chiến tranh. Nhìn sâu sâu vào lịch sử mở đất để biết chiến địa  với 150 năm đau thương, để biết công cuộc tiến xuống phương nam của văn minh Đại Việt bắt đầu từ đất Quảng Bình và hoàn tất bởi một người Quảng Bình.

Từ mái nam Hoành Sơn tới cục nam đất nước khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh định vị hành chính năm 1698. Trước đó hơn sáu trăm năm, năm 1069, vua Lý nam chinh thu hồi ba châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma linh vốn đất Việt Thường. Sáu năm sau (1075) Lý Thường Kiệt vẽ bản đồ ba châu, đổi tên Bố Chinh thành Bố Chính (bắt đầu sự quản lý hành chính), Ma Linh thành Minh Linh, Địa Lý thành Lâm Bình. Hóa ra, đâu phải 410 năm, một nửa danh xưng có từ gần nghìn năm trước. Lâm là rừng, nghìn năm sau mà Trường Sơn vẫn hùng vĩ thế thì ngày trước rừng mênh mông nhường nào. Chả thế mà đất này, trước quốc hiệu Chiêm Thành, năm 179 Khu Liên đã lập nước Lâm Ấp mà thủ đô vẫn còn thấp thoáng ở làng Thọ Linh. Nghĩ, ngôn ngủ cũng có sức bền.

Từ 1075 đến nay, thành Chàm ở làng Cao Lao sắp thành bình địa nhưng một chữ Bố trong Bố Chinh vẫn hiện hữu ở... Bố Trạch, một chữ Linh trong Ma linh vẫn còn trong Vĩnh Linh, Gio Linh. Một chữ Thùi không có trong chữ Việt của A. Đờ Rốt vì đích thị là tiếng Chàm (Cái quán lợp lá) đã thành cái chợ nhiều thủy sản nước lợ Hạc Hải nuôi con dân hai xã Lộc Thủy, An Thủy. Và, một chữ Bình lần đầu vang lên từ sau quyết đoán của thái úy Lý Thường Kiệt năm 1075 vẫn là một phần danh xưng đất này. Bình là bằng phẳng. Đất Lâm Bình ngày ấy bao gồm Lệ Thủy, Quảng Ninh và Đồng Hới ngày nay đương nhiên là bằng phẳng rồi. Chữ Bình gồm bộ nhị, bộ cổn và chữ bát chụm chân.

539 năm sau, chúa tiên Nguyễn Hoàng, nhân đắc lão thượng thọ bát tuần đã đổi phủ Tân Bình thành Quảng Bình. Chữ Quảng- Rộng lớn- ấn tượng hơn với bộ nghiễm, bộ thủ,song thập, bộ nhất, chữ điền trên chữ bát. Đất vàng (hoàng thổ), trách chi chưa tới mười năm sau, trước khi tạ thế (1613), chúa Tiên đã không quên trối lời vàng ngọc: "Đất Thuận Quảng, phía Bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân, núi Thạch Bi vững bền. Núi sinh vàng, sắt. Biển có cá, muối, thật là đất dụng võ của những kẻ anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây sự nghiệp muôn đời...." Đó là theo lý giải của các vị thâm nho. Có thể hồi ấy, Nguyễn Hoàng chưa nhìn thấy vùng mênh mông sông nước Nam bộ nhưng cũng thừa cơ mưu định tính cho vùng địa linh tất sinh nhiều nhân kiệt Bình-Trị- Thiên ngày nay.

410 năm! Thử tính ngày tính tháng xem đất này được mấy bình yên!? Tròn 150 năm chiến địa Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1774). Cuộc Cần Vương những năm 1885-1895 trên đất Quảng Bình. Chín năm đánh Pháp khói lửa điêu linh lại tám năm tuyến lửa đánh Mỹ... và lụt bão và nắng hạn, gió lào, cát bay cát chạy... Bốn trăm năm khai canh lập ấp, xây dựng thiết chế văn hóa làng xã để thoáng chốc hai thập niên chiến tranh xóa đi. Nhưng, cái hồn quê hương còn đấy, thần khí vùng đất còn đấy, để một ngày chúng tôi trở về trong gió lào, trong nước lũ; "Cho con xin ngọn gió/ Cho con xin nắm đất/ Để con làm thơ và hát những lời ca xưa Mẹ hát/ Về đất, về người về đời về buồng cau cây khế..." Và, để nghiệm ra rằng: "Quê hương nếu ai không nhớ..."

Nguyễn Thế Tường