.

Tết Chôl Chnăm Thmây mở đầu Ngày văn hóa các dân tộc

Thứ Tư, 16/04/2014, 07:20 [GMT+7]

Sáng 15-4, Tết Chôl Chnăm Thmây - lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer đã được tái hiện tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4) với chủ đề "Bản sắc văn hóa Việt Nam," do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Phần tái hiện Tết truyền thống của đồng bào Khmer tại Hà Nội lần này có Lễ rước xung quanh chính điện và tắm Tượng Phật, Lễ cúng tiễn đưa vị Têvađa cũ, đón rước Têvađa mới, cầu chúc năm mới tại chính điện; dâng cơm cho sư, đại biểu, phật tử, du khách ăn Tết cổ truyền của đồng bào Khmer Nam Bộ và giao lưu văn nghệ tại khu vực quần thể chùa Khmer trong không khí đầm ấm, vui tươi và cầu chúc một năm mới bình an, hạnh phúc...

Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới của dân tộc Khmer Việt Nam và cũng là ngày Tết của nhân dân các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka.

Ngoài tôn giáo chính là Phật giáo, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời (Têvađa) xuống hạ giới để chăm lo cuộc sống, con người trong năm đó, hết năm vị thần đó về trời để vị thần khác xuống hạ giới. Những ngày này trở thành lễ hội truyền thống của cả cộng đồng, người Khmer tổ chức nhiều trò vui như đốt đèn trời, đốt ông lói, đánh quay lửa; các cụ già kể truyện cổ tích, thần thoại cho con cháu nghe, hỏi thăm nhau, chúc nhau nhiều tài lộc, sức khỏe, phát đạt.

Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra vào đầu tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer (khoảng giữa tháng Tư Dương lịch), kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày, mỗi ngày trong Tết Chôl Chnăm Thmây lại có tên gọi khác nhau.

Chiều 15/4, Ban tổ chức giới thiệu về không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam, ẩm thực tiêu biểu của các vùng Bắc, Trung, Nam; trong đó điểm nhấn là ẩm thực của một số dân tộc có đặc trưng ẩm thực tiêu biểu của đồng bào Thái, Tày, Mường, Mông, Kinh, Hoa, Khmer...

Việc tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây cũng như giới thiệu văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc tại Hà Nội là một trong các hoạt động cốt lõi của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm đưa đồng bào dân tộc về hoạt động thường xuyên tại đây. Đồng bào sinh hoạt tại đây sẽ góp phần “thổi hồn” vào không gian văn hóa của 54 dân tộc.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4 là một trong ba hoạt động thường niên được tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, gồm: Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” mừng Đảng, mừng Xuân; “Bản sắc văn hóa Việt Nam” nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4; “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam 18-11 và chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.

Các hoạt động này đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, qua đó tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, hình ảnh đất nước con người Việt Nam với du khách trong nước và quốc tế.

Năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sơ kết 5 năm thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm đánh giá kết quả thực hiện; đồng thời xác định phương hướng, biện pháp thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17-11-2008 của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức tọa đàm, trao đổi, tham luận giữa các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo nhằm hoàn thiện và xây dựng hệ thống các chủ đề, nội dung hoạt động cho các sự kiện thường niên tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2015-2020...

Theo TTXVN/Vietnam+