.

Lần theo dấu ngựa Thánh Gióng xưa...

Thứ Ba, 08/04/2014, 07:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Phải khẳng định rằng, những dấu vết còn sót lại trên địa bàn tỉnh ta nhắc nhớ đến thời đại Hùng Vương, như đền, miếu..., thực sự rất hiếm hoi và ít người biết đến. Trong một lần tình cờ trò chuyện cùng nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Văn Tăng về những chuyến điền dã thú vị, ý nghĩa của ông, đền thờ Thánh Gióng-Phù Đổng Thiên Vương ở làng Tiên Lệ, xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn) bỗng được ông nhắc đến một cách đầy tình cờ, nhưng cũng đủ để tạo cho tôi sự ngạc nhiên, tò mò và đôi phần thích thú. Và quyết tâm lần theo dấu ngựa Thánh Gióng xưa trên đất Quảng Bình, tôi đã tìm về lèn Vịnh-nơi một thời đền thờ và Lễ hội đền thờ Phù Đổng Thiên Vương đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, có một không hai của vùng đất ven bờ sông Gianh lịch sử này.

Dưới cái nắng oi ả đầu hạ, qua cầu Quảng Hải, rong ruổi trên con đường lộng gió men bờ sông Gianh chừng dăm bảy cây số, vượt Quảng Lộc, Quảng Tân, Quảng Trung, là đến với xã Quảng Tiên. Quảng Tiên khiến khách vãng lai chú ý không chỉ bởi sự thuần chất của cảnh vật hay nụ cười hồn nhiên, ấm áp của người dân quê nơi đây, mà còn vì một khung cảnh khá kỳ lạ. Bởi xen giữa những đồng lúa xanh ngút mắt là uy nghiêm, sừng sững những lèn đá cao, đỉnh nhọn tưởng như chạm trời xanh, tồn tại vĩnh cửu theo năm tháng.

Trời xanh, đá xanh, cánh đồng lúa xanh dường như hòa làm một, khiến bất kỳ ai đã từng đặt chân đến đây cũng ngơ ngẩn không thôi. Đồng chí Chủ tịch xã Quảng Tiên, Trần Đức Luấn, chỉ cần nghe hỏi đến đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, ánh mắt bất chợt sáng bừng niềm vui, nhưng liền sau đó cũng xen lẫn nỗi khắc khoải, lo âu.

Anh tâm sự, nét văn hóa độc đáo riêng có này là "của báu" của bà con Quảng Tiên, nếu được nhiều nơi biết đến cũng là một tin vui, nhưng theo quy luật khắc nghiệt của thời gian và nhiều yếu tố chi phối khác, đền thờ giờ đây hầu như không còn nữa, người dân tùy tâm tùy thời điểm để đến dâng hương cúng bái. Theo chân anh Trần Xuân Vẫn, cán bộ văn hóa xã Quảng Tiên, chúng tôi tìm đến lèn Vịnh. Không ngoài cảm đoán, cảnh xưa người cũ nay chỉ còn trong ký ức tiền nhân, miếu thờ Phù Đổng Thiên Vương giờ chỉ còn phần nền móng trơ trọi, duy chỉ có một góc miếu được một cây cổ thụ trùm lên tỏa bóng là vẫn còn phảng phất chút linh khí xưa. Tuy vậy, khách vãng lai vẫn hoàn toàn có thể cảm nhận được sự uy nghiêm, tôn kính của một vùng đất thiêng thuở trước.

Điều khá buồn là lễ hội đền thờ Phù Đổng Thiên Vương đã mai một quá lâu, trong ký ức của các bậc cao niên, những hình ảnh, chi tiết về Lễ hội chỉ là một chuỗi thiếu kết nối từ nhiều câu chuyện kể của người đi trước mà thôi. Cụ Đoàn Văn Luận (84 tuổi, Vinh Quang, Quảng Tiên) nhớ lại, cứ vào tháng hai, ra giêng, trời không mưa khô hạn kéo dài, bà con làng Tiên Lệ lại chuẩn bị tổ chức lễ cầu đảo, cầu mưa ở miếu thờ Phù Đổng Thiên Vương. Làng Tiên Lệ ngày xưa nhập 7 xã (Quảng Trung, Quảng Tân, Quảng Sơn, Quảng Thủy, Quảng Minh, Quảng Hòa), gọi là Lệ Trạch.

Cụ Hoàng Đình Tích (89 tuổi, Tiên Sơn, Quảng Tiên) cư trú ở ngay sát lèn Vịnh chập chờn nhớ lại lời kể của ông bà, cha mẹ. Thuở trước, trong một lần cầu đảo, bỗng một con khái (hổ) đột ngột xuất hiện. Sợ hãi, làng chuẩn bị và cúng tế cho "ngài" một con lợn sống. Sau đó, Lý trưởng ngồi trên lưng "ngài" và được đưa đến lèn Bút lấy một bầu nước. "Ngài" chạy từ đầu làng (Lạc Giao) cho đến cuối làng (Trung Thôn), chạy đến đâu, bầu nước chảy theo đến đó. Y như rằng vào sáng ngày mai, một trận mưa giải hạn ùn ùn kéo đến, giúp làng vượt qua cơn khó khăn, hoạn nạn. Chính vì linh thiêng như thế, cho nên lễ được tổ chức hàng năm rất chu đáo, thành kính. Tuy nhiên, những ghi chép về Lễ hội tuyệt nhiên không thấy xuất hiện trong bất cứ sách vở truyền qua các đời.

Mãi đến khi cuốn "Quảng Bình ẩn tích thời gian" của Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh ra mắt, lần đầu tiên lễ hội đền thờ Phù Đổng Thiên Vương mới được đề cập đến khá trọn vẹn và đầy đủ... Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Văn Tăng, gốc tích của đền thờ xuất phát từ giấc mơ của một bậc cao niên trong làng. Cụ kể rằng, vị Thần về giúp làng đầu đội mũ kim ô ngồi trên con ngựa sắt, tay cầm roi sắt rượt đuổi bọn giặc lân bang từ phương Nam đến quậy phá.

Sau khi đuổi được giặc chạy xa rồi thì vị Thần quay về, trên đường đi ngang qua vùng Tiên Lệ thấy cảnh đẹp sinh tình nên đã ghé lại cùng binh sĩ nghỉ sức một đêm. Khi biết dân Tiên Lệ còn nhiều khổ cực, vị thần xin Nhà Trời ở lại dạy dân cày cấy, trồng trọt. Một thời gian sau khi mọi công việc cấy hái người dân đã được thuần thục thì một mình Thần cưỡi lên mình ngựa bỏ lại binh lính, rồi bay ra phía bắc đến đậu xuống vùng Nghĩa Lĩnh. Nhưng Thần cũng ở đấy chỉ một thời gian rồi lại bay tít lên trời không quay trở lại.

Sau khi nghe ông cụ kể lại giấc mơ đẹp, vị Tiên chỉ làng liền bàn với chức sắc trong làng một kế hoạch, rồi cử một đoàn đinh tráng hai mươi người khoẻ mạnh khuân theo gạo, nếp, lợn, bò được trồng và nuôi trên đất Tiên Lệ đi bộ gần một tháng ra tận Đền Hùng xin làm lễ tế. Sau lại đến đền thờ Thánh Gióng tổ chức lễ tạ ơn và xin đất, xin lập lư hương rước về làng thờ. Chỉ một thời gian rất ngắn huy động người có công, người có của, làng xây lên ngay giữa lèn Vịnh một ngôi đền to đẹp nhất vùng và rất trang nghiêm.

Đền xây xong làng tổ chức hội đền kéo dài ba ngày đêm đèn đuốc thắp sáng trưng cả một góc núi. Người mọi vùng nườm nượp kéo về cầu yên, cầu bổn mạng. Từ đó cứ hàng năm đến ngày tế lễ dân hai giáp: Giáp Đông và Giáp Đoài được chức sắc làng phân công trực tiếp làm cỗ cúng thi... Đặc biệt, từ lễ hội, cách thức hong xôi và làm bánh dày để cúng lễ được thực hiện chính là sự kết nối với nét văn hóa ẩm thực của người Việt xưa... Lễ hội được tổ chức sau giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 đúng một tháng, vào ngày 8-4.

Có lẽ, nếu không có sự nỗ lực, kỳ công và miệt mài của những nhà nghiên cứu thì chắc chắn nét văn hóa độc đáo này sẽ thoảng bay qua, trong sự luyến tiếc khôn cùng của hậu thế. Thật hiếm có vùng quê nào lại nhiều đền, miếu thờ như ở Tiên Lệ, Quảng Tiên, bên cạnh đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, còn có miếu thờ thần hoàng làng, miếu thờ Trung nam tướng quân, miếu thờ Tây Nam tướng quân, miếu thờ Quan bản xứ...

Điều này cho thấy bề dày văn hóa, cùng thăng trầm lịch sử của người dân vùng ven sông Gianh này. Đúng như nhà nghiên cứu Văn Tăng nhận định, trong tứ bất tử của dân gian, chúng ta tự hào có đền thờ Liễu Hạnh công chúa và đền thờ Phù Đổng Thiên Vương. Cả hai di tích này đều khẳng định tính kết nối xuyên suốt của mạch nguồn văn hóa vùng miền từ thuở Hùng Vương cho đến các thời kỳ sau của lịch sử trên đất Quảng Bình.

M.N