.

Đêm trăng của tình yêu

Thứ Sáu, 11/04/2014, 13:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, Hội Rằm tháng ba Minh Hóa đã đổi thay nhiều nhưng nét xưa vẫn còn nguyên vẹn.

 

Dâng hương tại thác Pụt trong dịp Rằm tháng Ba.
Dâng hương tại thác Pụt trong dịp Rằm tháng Ba.

Yêu nhau từ những câu dân ca

Hội Rằm tháng 3 ở Minh Hóa xuất phát từ khi nào vẫn chưa ai biết chính xác. Nhưng cứ đến dịp này, người người khắp nơi trong huyện rạo rực đi trẩy hội. Các cụ cao niên thì đi chợ để gặp gỡ, trò chuyện, uống ly rượu, bát nước chè xanh. Trẻ con thì đi xem các trò chơi dân gian, ăn cái ram cái bánh hay được mẹ mua cho bộ quần áo mới. Còn những chàng trai, cô gái thì đi chợ để tìm bạn tình, để gặp gỡ, hẹn hò...

Ông Đinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Minh Hóa nói: Sau khi cúng lễ tại thác Pụt xong, chiều tối ngày 14-4 âm lịch, mọi người kéo nhau lên chùa Cồn Púng dưới chân núi Chôông Cún thuộc xã Yên Hóa dự hội. Trong đêm đó, rất đông người tập trung đến chùa tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Thà rằng đau ốm mà nằm/ Ai đành lại bỏ hội Rằm tháng ba".

Có người đi chơi hội với mục đích gặp gỡ, xem hát, tìm bạn tình... Còn người đi hát thường mang theo lúa để giã làm nhịp đệm cho các làn điệu dân ca như hát đúm, ví, hò thuốc hôi lên... Những làn điệu dân ca này được rất nhiều người hát, nhất là các nam thanh nữ tú. Trước khi hát, con trai và con gái đứng thành vòng tròn xung quanh, ở giữa có đống lửa đang cháy rực. Ngoài ra còn có một cối giã gạo đầy lúa.

Chọn 3 đến 4 người đàn ông khỏe mạnh cầm chày đứng quanh cối. Khi bắt đầu hát thì người cầm chày giã thóc đệm nhịp theo lời của từng làn điệu dân ca như: "Trời mưa nước chảy quanh hồi/ Anh không lấy vợ ai đâm pồi anh ăn". "Vui ngày hội quê ta/ Rằm tháng 3 đã đến/ Khách bạn bè thân mến/ Về vui hội quê hương/ Khách bạn bè đã đến/ Chợ Quy Đạt thân thương". "Ai lên Minh Hoá quê mình/ Chè xanh mật ngọt đượm tình quê hương/ Bạn ơi quê bạn dưới xuôi/ Bạn về Minh Hoá cùng tôi thì về...”. Xong mỗi câu hát, tất cả mọi người đồng thanh cùng tiếng vỗ tay: "Hôi lên là hôi lên".

Đêm về khuya, nhiều người thấm mệt kéo nhau vào chùa nghe các cụ cao niên hát sắc Bùa, hát nhà trò, hát kiều. Nhưng trước đó, các đôi nam nữ thấy hợp, thích nhau thì rủ bạn đến chỗ khác hẹn hò, tìm hiểu. Còn những đôi tình nhân đã yêu nhau thì dẫn nhau vào rừng hay xuống bờ suối tâm sự. Ông Cao Đàn (80 tuổi), ở thị trấn Quy Đạt kể lại: Ngày nớ, tui thấy bà trẻ đẹp, lại hát hay nên mê lắm. Hai chúng tôi cùng nhau hát điệu hôi lên trong đêm rằm rồi rủ bà xuống suối chơi. Cũng may bà nhận lời, rồi hôm sau hai chúng tôi lại tiếp tục đi chợ. Từ đêm trăng đó, chúng tôi đến với nhau cho đến mãi bây giờ. Ông Đàn nói xong, bà Đinh Thị Xuyến- vợ ông ngồi bên nhai trầu móm mém cười đỏ cả mặt.

Các đôi nam nữ ngày xưa rất khó khăn để gặp nhau, hẹn hò. Thậm chí có những người yêu nhau nhưng cả năm chỉ gặp được vài lần. Và đêm hội trăng Rằm là cơ hội "ngàn vàng" để họ đến với nhau để yêu thương. Ông Cao Niên, một người cao tuổi khác nhớ lại: "Tui với vợ cũng từng gặp nhau ở đêm hội trăng rằm nhưng phải yêu nhau gần 3 năm mới cưới được. Vì nhà hai bên xa quá, mỗi năm chỉ gặp nhau vài ba lần. Vậy nên, cứ đến đêm hội trăng rằm là chúng tôi hẹn gặp nhau để tâm sự. Chừ cứ mỗi mùa trăng tháng 3, chúng tôi thường kể lại chuyện xưa cho con cháu nghe". Nhà ông Niên ở xã Minh Hóa còn nhà vợ ở tận Hồng Hóa. Ngày xưa, do cuộc sống làm ăn, ngăn rừng cách suối nên rất khó khăn để đi lại. Vậy nên đêm hội trăng rằm là cơ hội rất tốt để họ thể hiện tình yêu.

Ngày nay vẫn thế

Không chỉ có cụ Đàn, cụ Niên mà còn rất nhiều người cao tuổi ở huyện Minh Hóa đến được với nhau từ đêm trăng tình yêu. Rằm tháng 3 Minh Hóa vẫn được tổ chức hàng năm vào dịp 15-3 âm lịch. Dù giờ đây không còn chùa Cồn Púng, không còn những tiếng giã gạo đệm nhịp cho các làn điệu dân ca nhưng đêm trăng/ rằm vẫn là dịp hẹn hò, gặp gỡ của trai gái.

Lửa hội đêm trăng rằm thu hút đông đảo du khách tham gia.
Lửa hội đêm trăng rằm thu hút đông đảo du khách tham gia.

Mỗi khi đến dịp rằm tháng 3, trong những lần hồi hương, tôi thường gọi thêm vài người bạn ở các tỉnh khác về nhà chơi. Bữa "tiệc" đãi bạn tại nhà chỉ có món bồi, ốc đực, rau tớn và một số món ăn đặc trưng của vùng cao Minh Hóa. Trong một lần như thế, hai người bạn của tôi đã đến với nhau. Đó là năm 2009, bạn gái Ngọc Anh quê ở Hà Tĩnh gặp bạn Anh Hà đang làm việc trong huyện. Sau buổi ăn tối, chúng tôi kéo nhau đi chơi hội. Và khi đêm về, hai người đã có những cuộc trò chuyện riêng tư rồi kết nhau. Yêu nhau 2 năm, Anh Hà và Ngọc Anh đã tổ chức đám cưới. Giờ hai bạn đã có một cuộc sống hạnh phúc cùng đứa con trai. Khi nhắc lại chuyện năm ấy, Hà vẫn cảm ơn tôi đã làm nhịp cầu nối để hai người gặp nhau.

Trong đêm trăng của tình yêu năm trước, tôi gặp nhiều đôi nam nữ tay trong tay đi chơi hội. Trong đó, tôi đã bắt chuyện với bạn Minh Đức và Lệ Quyên quê ở Đồng Hới. Đức nói rằng: "Chúng tôi yêu nhau được một năm rồi. Cũng vào đêm trăng rằm năm năm trước, tôi với Quyên gọi cả hội bạn lên Minh Hóa chơi rằm. Sau chuyến đi về, chúng tôi thấy hợp nhau và rồi yêu nhau". Mới đây, gặp lại Đức thì anh đã gửi cho tôi tấm thiệp hồng mang tên của hai người.

Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, Hội Rằm tháng ba Minh Hóa đã đổi thay nhiều nhưng nét xưa vẫn còn nguyên vẹn. Trong đêm hội, những làn điệu dân ca truyền thống lại tiếp tục vang lên như để mời gọi bạn tình, các trò chơi dân gian được sự cổ vũ của hàng vạn người khiến cho lễ hội thêm sôi động. Chợ Rằm tháng ba- chợ tình Minh Hóa vẫn là nơi giao lưu gặp gỡ của du khách thập phương, là nơi hội ngộ của cộng đồng các dân tộc anh em. Còn đêm trăng tình yêu vẫn là nơi hò hẹn, gặp gỡ lý tưởng cho tất cả mọi người, nhất là những các bạn trẻ đang trong độ tuổi yêu nhau.

Xuân Vương