.

Người giữ hồn cho núi rừng Trường Sơn

Thứ Hai, 17/03/2014, 09:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Người đàn ông gầy gò trong bộ trang phục truyền thống của người Bru-Vân Kiều, chiếc áo dệt thổ cẩm cùng với váy quây kín dài quá mắt cá chân, mái tóc dài màu trắng, nước da ngăm đen, chân đi đất, trên cổ đeo chiếc răng lợn rừng thể hiện chiến tích của mình.

Ông Hồ Ai và cây sáo Khơ-lui.
Ông Hồ Ai và cây sáo Khơ-lui.

Ông đứng kính cẩn dưới bàn thờ đặt các lễ vật gồm một con lợn, một con gà, một đĩa xôi và thắp hương, miệng lẩm bẩm khấn bằng tiếng Bru, xung quanh già trẻ gái trai đứng thành vòng tròn lớn, không khí nghiêm túc, mọi người đều im lặng và thành kính với mong muốn cùng với người chủ lễ dâng ý nguyện lên các đấng thần linh để cầu mong sự che chở, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà.

Sau bài cúng, người đàn ông lấy những hạt gạo sống “gieo” lên trời, nếu ông hứng được trên tay những hạt chẵn thì tức là thần đã chấp thuận và nếu là những hạt lẻ có nghĩa là thần chưa chấp thuận, lúc đó ông sẽ thực hiện lại bài cúng cho đến khi nào thần chấp thuận mới thôi. Khi đã được thần chấp thuận, người chủ lễ thông báo cho mọi người cùng biết, một hồi chiêng như hiệu lệnh vang lên, những người tham gia nghi lễ vui mừng và cùng nhau uống rượu cần, thể hiện các điệu hát, điệu múa mô phỏng việc chọc lỗ, tra hạt, trỉa hạt, hay tổ chức các trò chơi dân gian...

Ông lão say sưa đánh những hồi chiêng lúc bổng lúc trầm, chân nhịp nhàng theo từng nhịp chiêng để làm nhạc đệm cho mọi người cùng nhau ăn uống, nhảy múa cho đến lúc nào rượu cần cạn bình, trên mâm cỗ hết thịt mới trở về nhà. Ông là Hồ Văn Ai, già làng của bản Khe Cát, người mà được nhiều người dân nơi đây kính trọng và gọi ông là “người giữ hồn” cho núi rừng Trường Sơn.

Bên hũ rượu cần, già làng Hồ Ai với chiếc sáo Khơ-lui quen thuộc, già vừa thổi sáo vừa hát si-nớt (là cách hát kể chuyện như một loại trường ca kể về lịch sử, văn hóa, tập quán canh tác, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi.. của người Bru-Vân Kiều). Nghe già hát, trong giọng hát của già có cái chân thật của con người nơi đây cứ xuề xòa với cuộc sống còn nghèo khó, có âm thanh trong trẻo của dòng suối Cát hiền hòa nhưng đôi lúc lại mạnh mẽ khi nước lũ tràn về, có cái hoang dã phóng khoáng của núi và hừng hực nhựa sống của rừng, cảm tưởng như tất cả những gì của đại ngàn Trường Sơn đều hoà quyện trong giọng hát của già Hồ Ai.

Tiếng sáo cũng thiết tha như tiếng lòng, già kể chuyện hồi tưởng về quá khứ, từ khi già sinh ra ở núi rừng Trường Sơn này, ăn rau rừng, uống nước của dòng suối Cát để lớn lên. Năm nay đã hơn 70 tuổi, trên gương mặt đầy những nếp nhăn của năm tháng, thời gian như chạm trổ cho những nếp nhăn đó thêm chai lì và mạnh mẽ hơn, đôi mắt không còn trong như thưở đôi mươi nhưng vẫn ánh lên cái nhìn ấm áp và sắc sảo.  Thân hình gầy gò của một ông lão đã đi gần hết nửa bên kia của cuộc đời nhưng vẫn săn chắc và khỏe mạnh, ít ra già cũng đã từng là một thợ săn giỏi của núi rừng này. Thời trẻ, già cũng theo đám thanh niên trong làng vào rừng săn nai, gấu, hổ.. cũng đi lấy mật ong rừng hay lấy củi, cũng ra suối đơm cá, xúc tôm, tép... làm những việc mà một người đàn ông trưởng thành phải làm để chăm lo cho gia đình.

Già cũng không nhớ rõ từ bao giờ những giai điệu của núi, những lời ca của người Bru ăn sâu vào máu thịt, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời của mình. Khi còn ở tuổi thanh niên mười tám đôi mươi, già cũng đi sim, hẹn hò như bao đôi trai gái khác trong bản. Già thuộc nhiều bài hát của người Bru-Vân Kiều như hát si-nớt, hát tà- oải, già biết chế tác và chơi các loại nhạc cụ như chiêng, sáo khơ-lui, sáo pi, đàn tính-tùng, đàn pơ-lựa, già hát và thổi sáo rất hay. Ngày ấy con gái trong bản mê tiếng sáo của chàng thanh niên này lắm, cũng nhờ tiếng sáo mà chàng nên  duyên vợ chồng với một người con gái trong bản từ lâu đã thương thầm nhớ trộm.

Được người dân trong bản yêu mến và tín nhiệm, già Hồ Ai được bầu làm già làng của bản Khe Cát. Cùng với trưởng bản, già làng Hồ Ai nhắc nhở người dân trong bản chăm lo lao động sản xuất, giữ gìn trật tự trong bản, đến mùa nương rẫy già lại đốc thúc mọi người đi làm rẫy, làm đất, chuẩn bị hạt giống để gieo trồng. Khi trong bản có những dịp lễ quan trọng trong năm như lễ lấp lỗ hạt giống được tổ chức trước khi gieo hạt, lễ mừng lúa mới được tổ chức khi thóc lúa được gặt về hay đám chay khi trong bản có người mất.. già Hồ Ai được mọi người tín nhiệm bầu làm chủ lễ, đứng ra triệu tập người dân trong bản cùng đóng góp và tham gia vào buổi lễ, thay mặt dân bản gửi ý nguyện lên các đấng thần linh.

Trong lớp người già của người Bru-vân Kiều hiện nay ở xã Trường Sơn, già làng Hồ Ai là người còn nắm giữ nhiều nhất những loại hình văn hóa truyền thống độc đáo và đặc sắc của người Bru-Vân Kiều, tài hoa trong việc chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống như: chiêng, sáo khơ-lui, sáo sui, sáo pi, Ta-riêng, đàn Pơ-lựa, đàn Tính-tùng; hát Si-nớt, hát Tà-oải và nắm giữ nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội cúng tế truyền thống của người Bru-Vân Kiều.

Trưởng bản Khe Cát Hồ Văn Đài luôn dành những lời kính trọng và biết ơn sâu sắc khi nói chuyện với tôi về già làng Hồ Văn Ai: "Cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn nói chung, bản Khe Cát nói riêng đều coi già Hồ Ai như linh hồn của người Bru, người gìn giữ được truyền thống và văn hóa của người Bru cho đến tận ngày hôm nay".

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: "Già làng Hồ Ai cùng với các nghệ nhân cao tuổi khác là những hạt giống quý báu nắm giữ các tinh hoa văn hóa phi vật thể của người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn.."

Tiếng sáo và tiếng hát của già làng Hồ Ai đã được đi biểu diễn ở nhiều nơi và tham dự nhiều liên hoan khác nhau, gần đây nhất  đó là già cùng với các nghệ nhân khác trong xã Trường Sơn đại diện cho tỉnh Quảng Bình được mời tham gia Liên hoan Dân ca Việt Nam 2013 khu vực Bắc Trung Bộ do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức. Đây được xem là một cuộc thi nhằm tìm kiếm, phát hiện các làn điệu dân ca, dân nhạc còn nguyên thể mang tính đặc trưng của các vùng miền Việt Nam.

Bên cạnh đó, Liên hoan nhạc dân ca còn góp phần gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc. Cùng với đặc sắc hò khoan Lệ Thủy, các nghệ nhân Bru-Vân Kiều đại diện cho tỉnh Quảng Bình đã cống hiến cho liên hoan tiết mục hát si-nớt và hòa tấu các nhạc cụ đặc trưng của người Bru và được đánh giá cao tại liên hoan, góp phần giới thiệu đặc sắc văn hóa của người Bru-Vân Kiều nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung với bạn bè gần xa.

Với tâm huyết của một người lớn lên bằng những lời ca của núi và thiết tha với văn hóa dân tộc, cùng với các nghệ nhân khác trong xã, già Hồ Ai rất phấn khởi và nhiệt tình khi được mời tham gia lớp truyền dạy âm nhạc truyền thống của người Bru-Vân Kiều cho các thế hệ trẻ tại hai bản Khe Cát, Cổ Tràng và các em học sinh người Bru-Vân Kiều tại trường PT Dân tộc Bán trú THCS Trường Sơn của xã Trường Sơn do Dự án phát triển Du lịch bền vững Tiểu vùng sông Mê Kông tỉnh Quảng Bình tổ chức với mục tiêu phục hồi và đào tạo các giá trị nghệ thuật truyền thống trong khuôn khổ các hoạt động được phê duyệt trong năm 2012 - 2013 của Dự án.

Già nói với tôi, giọng buồn: "Lớp trẻ người Bru-Vân Kiều bây giờ không thích mặc áo của người Bru, không biết thổi sáo hay chơi nhạc cụ như già, không hát được bài hát của người Bru nữa rồi. Lớp trẻ thích văn hóa của người Kinh hơn, hát tiếng Kinh nhanh thuộc hơn tiếng Bru-Vân Kiều nhiều. Già chỉ sợ, khi không còn đủ sức để hát và thổi sáo nữa, lớp trẻ không cố gắng để học thì văn hóa truyền thống của đồng bào mình cũng bị thất truyền mà thôi". Trăn trở của già làng Hồ Văn Ai cũng là những điều quan ngại của những người làm công tác bảo tồn văn hóa dân tộc trước thực trạng gìn gữ văn hóa của người Bru-Vân Kiều hiện nay.

Khi tuổi đã xế chiều, đôi chân không còn thoăn thoắt, đôi tay không còn vạm vỡ và đôi mắt không còn tinh anh như xưa, già Hồ Ai không còn vào rừng đi săn hay lấy gỗ, bây giờ công việc chính của già là đan những chiếc gùi bằng mây, tre dùng đi củi hay đi làm nương rẫy bán để cho bà con trong vùng. Những lúc rảnh rỗi, già vui đùa cùng con cháu như niềm vui của tuổi già. Và hằng đêm, bên hũ rượu cần, chiếc sáo khơ-lui đã gắn bó với già như một người bạn thân thiết lại cùng già ngân lên những lời ca của núi.

Xin được gọi ông là người giữ hồn cho núi rừng Trường Sơn như cái cách trìu mến và kính trọng mà người dân nơi đây đã dành để nói về ông, bởi khi lên Trường Sơn chỉ cần nghe già Hồ Ai hát là có thể thấy được cả đại ngàn Trường Sơn trong đó.

Diệu Hoài
(Số 47, đường Trường Chinh, phường Bắc Lý, Đồng Hới)