.

Quảng Bình: Mùa Xuân 40 năm trước

.
07:48, Thứ Ba, 12/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Mùa Xuân, 40 năm trước - năm 1973 - một thời điểm rất có ý nghĩa đối với dân tộc ta, với Quảng Bình. Có thể gọi đó là thời điểm “giao thừa” giữa chiến tranh - hòa bình của vùng đất lửa. Với riêng tôi, đó cũng là lúc tôi trở thành chàng rể của Quảng Bình. Lúc đó, tuy tôi đã có cuốn sách đầu tay được xuất bản (tập ký sự về đường 12A “Vì sự sống con đường” - NXB Thanh Niên, 1968) nhưng do công việc bận rộn của một cán bộ thi đua Ty Giao thông-Vận tải Quảng Bình, những trang nhật ký thường ghi ngắn gọn và không thường xuyên. Tuy vậy, đọc lại những trang viết vội vàng trong cuốn sổ nhỏ đã úa vàng, có lẽ chúng ta vẫn thấy bồi hồi về những kỷ niệm, những hình ảnh của một thời không thể quên. Để chuyển tải được không khí thời đoạn này, xin ghi lại nguyên văn nhật ký, đôi chỗ cần viết thêm để “thuyết minh” sẽ in bằng chữ nghiêng trong ngoặc đơn.

Ngày 30-12-1972:

Vừa qua những ngày có nhiều biến cố của đất nước, cũng như trong cuộc đời riêng.

Hàng đàn B.52 Mỹ vẫn ồ ạt đánh Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố, vùng công nghiệp miền Bắc. Đêm 26-12, có 8 B.52 rơi. Đêm 27-12 có 5 B.52 rơi. Có chiếc rơi ngay trên đường Hoàng Hoa Thám, gần vườn Bách Thảo... Giặc Mỹ muốn tạo nên “sức ép” buộc chúng ta rời bỏ con đường giải phóng Tổ quốc. Nhưng những ngày qua, mọi người lại nghĩ về Hà Nội, cũng có nghĩa là nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn và tình cảm cách mạng sôi trào trong mọi người.

- Thật đột ngột, Rạng (cô giáo trẻ quê Duy Ninh, người yêu của tôi) phải chuyển lên dạy vùng cao (xã Trường Sơn, phía trên thác Tam Lu, huyện Quảng Ninh). Rạng là một người đã từng qua những thử thách và tỏ ra cứng cỏi, từng đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường Quảng Trị, vậy mà đã khóc. Lo cho mái tóc dài sẽ rụng và những cơn sốt rét rừng... Cũng không có cách gì hơn là nghĩ đến lý tưởng mà vui vẻ đón nhận những thử thách và hy sinh...

Ngày 8-1-1973:

Những ngày đầu năm nắng, gió hanh khô và hơi lạnh. Giặc Mỹ lại ngừng từ vĩ tuyến 20 trở ra để tiếp tục “mật đàm” tại Paris. Ở Quảng Bình, chúng đánh nhì nhằng, thường là “tọa độ”. Ngày 2, một trận B.52 tại Quảng Sơn là vùng căn cứ an toàn, chết chóc nhiều. Xung quanh, sau những trận tọa độ, lại nghe tin đồn về một vài người chết. Chuyện chết người, bây giờ nghe nhẹ như một cái lá rụng!...

Ngày 14-1-1973:

Lại những ngày có tiếng bàn tán to nhỏ về việc ngừng bắn sắp đến. Cả ngày trời nắng to. Trời trong xanh như mùa hè. Buổi sáng có vài loạt B.52 xa xa. Chiều, những chiếc phản lực trinh sát lượn vật vờ rất cao. Đêm trăng sáng, vắng tiếng phản lực. Chỉ nghe một vài loạt B.52 rất xa.

- Những bức điện từ Trung ương liên tiếp đánh về tỉnh và rồi chuyền lan xuống. Cán bộ đi họp, chờ Trưởng Ty (lúc đó là đồng chí Lê Đức Mận) đi họp ở tỉnh 1 giờ sáng mới về.  

- Ở Mỹ thì Ních-xơn cũng họp với Kít-xinh-gơ lúc 2 giờ sáng. Anh Nguyễn Đình Chí cho biết sẽ lấp Cầu Dài.

- Hai đêm trước, phản lực rải bom bi rất cao. Tiếng bom-bi-con xoay trong không trung kêu vo vo như tiếng xe chỉ. Làng Đức Ninh vốn an toàn đã có những người ngã xuống. Nếu đúng là ngày 15 chúng nó ngừng, thì đó là những người ngã xuống cuối cùng của một đợt chiến đấu quyết định.

Ngày 16-1-1973:

Ngày đầu tiên kể từ tháng 4-1972, Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

Cả ngày 15 chờ đợi với sự “lạc quan thận trọng”, đúng như một số bình luận gia thế giới nhận xét. Ngày 15, sáng sương mù dày đặc; chưa tan đã lại nghe tiếng phản lực lao thấp, rồi tiếng bom B.52 xa xa. Đã có người thoáng thất vọng, e rằng lịch sử sẽ lặp lại. Trời lại nắng và đêm 12 âm lịch trăng rất sáng. Buổi chiều, đường qua Cộn đã đông nghịt. Một số thanh niên thị xã được huy động, vai vác súng, gánh củi tập trung chuẩn bị đi phục vụ chiến dịch.

Vỏ bom bi của Mỹ trở thành vật liệu làm nền cho khẩu hiệu đánh thắng Mỹ tại Quảng Bình. Ảnh: Tư liệu
Vỏ bom bi của Mỹ trở thành vật liệu làm nền cho khẩu hiệu đánh thắng Mỹ tại Quảng Bình. Ảnh: Tư liệu

Một sự chờ đợi căng thẳng ở Bộ chỉ huy. Tối, đài Mỹ và Anh vẫn chưa đưa tin về việc sẽ có ngừng bắn. Lại chui xuống hầm ngủ.

Hơn 3 giờ sáng, chợt nghe tiếng súng trường, súng máy nổ ran xa gần, mỗi lúc một nhiều. Không hiểu sao lại nghĩ đến khả năng chúng nó bất thần đổ bộ! Nhưng sau đoán là đồng bào được tin ngừng bắn, nổ “pháo” chào mừng.

Ra khỏi hầm, không kịp mặc quần dài, chạy xuống phòng trực điện đài. Từ xa, đã thấy ánh đèn tỏa sáng. Cậu Quang, trực điện đài bảo: 12 giờ đêm, anh Lại Văn Ly đã điện sang giờ N. từ 0 giờ ngày 16-1. Và từ đó, ngọn đèn không bị chụp phòng không che khuất nữa!

Súng nổ càng nhiều. Và ánh lửa sáng từng vùng trời như những ngọn pha lớn chiếu lên. Người lớn và trẻ con đều lấy thuốc súng đốt. Lâu rồi, ánh lửa bị ém lại, thèm khát được bốc cao, tỏa sáng.

Tiếng người xôn xao. Tiếng loa truyền thanh. Không ai còn có thể nằm yên được nữa! Một cậu nhảy ra khỏi hầm hô “một - hai” tập thể dục và đọc to câu thơ: “Đường ta rộng thênh thang tám thước...”

Trời vừa sáng, lên xe xuống thành Đồng Hới.

Trên đường gặp ai cũng thấy nét mặt vui, thấp thoáng nụ cười và cứ muốn nhìn vào mắt nhau. Người đông nghịt. Rất đông thanh niên đi phục vụ chiến dịch.

Trong cảnh vui đó, nhìn những ngôi nhà hai bên đường ở xã Đức Ninh vừa đổ nát trong mấy ngày qua, lòng thấy xúc động. Những mất mát gần kề trước ngày bình an càng đau đớn hơn...

Trời lại sương mù dày đặc. Gác xe đạp lên xe ô tô đi ra cảng Gianh. Lâu rồi mới lại đi với tốc độ hơn 40 km/giờ trên đường nhựa. Một đoàn người dài đông đúc kéo xuống bến cảng. Ngoài sông còn sương giăng; một chiếc thuyền có lá cờ đỏ sao vàng tươi rói. Trời đã hửng nắng. Trên bến đầy cờ và khẩu hiệu. Những lô cốt sứt sẹo vì bom Mỹ. Những đống gạo có bao ni lông bị bom xé rách. Cách đây chỉ hai hôm, gần 100 người đã chết ở đây. Còn thấy một đôi dép nhựa nằm lẫn trên bãi cát...

Ngày 17-1-1973:

Sáng, trời vẫn sương mù. Đạp xe ra Đèo Ngang. Gặp kỹ sư Toàn và Ngọ ra chuẩn bị cầu Roòn. Tỉnh dự định lấp đá hơn nửa sông và làm 60 mét cầu trong 7 ngày. Công binh đang lắp cầu phao.

Lên Đèo Ngang giữa trưa. Trên đỉnh mây trắng như bông, từng dải mây mỏng sà xuống phía Quảng Bình. Sắp có gió mùa đông bắc. Nhìn ra biển, tầm nhìn đã thu hẹp. Hòn La - nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt vừa qua - nhô lên hình nửa quả bầu vững chãi. Bên bờ biển, hàng dương xanh đổ gục. Những mái nhà ngói làng Cảnh Dương đổ nát.

Chiều trở về, gió mùa đuổi sau lưng. Tối, Công ty ô tô họp mít tinh. Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng, người gầy đen đi, nhưng vẫn hét to suốt gần 1 giờ đồng hồ. Kiểu nói sinh động, táo bạo hợp với các “anh tài”.

Ngày 18-1-1973:

Đêm nhìn xe đi từng đoàn, đèn pha sáng trưng di động từ phía Bắc vào, tưởng như một thành phố đang trôi vào.

Trong những đoàn xe đó, có cả đoàn xe của các bộ, thấy ghi rõ: “Bộ Cơ khí và luyện kim”...

Ngày 28-1-1973:

Về quê vợ chuẩn bị cho lễ cưới. Làng xóm đã nhiều người phá hầm. Ở chật chội quen, cũng mái nhà ấy, phá hầm đi, trông như rộng ra gấp hai-ba lần...

Ngày 31-1-1973:

Cưới vợ.

(Một việc hệ trọng đối với đời riêng, nhưng nhật ký chỉ ghi vỏn vẹn có hai từ! Có lẽ vì viết bao nhiêu cũng không diễn tả hết cảm xúc. Hơn nữa, giữa lúc bà con quê hương đang bộn bề bao nỗi lo toan, bản thân cũng đang gánh trách nhiệm không nhỏ trong việc tổng kết một giai đoạn đặc biệt của mặt trận giao thông - mặt trận hàng đầu của Quảng Bình thời gian đó, nên theo một khẩu hiệu đương thời “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, để dành tâm trí cho công việc!

Tất nhiên, chữ ghi lại vắn tắt, nhưng niềm vui thì tràn trề, trước hết vì hạnh phúc riêng đến với mình đúng lúc quê hương được hòa bình; sau nữa, tuy “tiệc cưới” giản dị chỉ có kẹo bánh, nước trà, thuốc lá, nhưng vinh dự được Đoàn Văn công 559 giúp vui. Với người từng gắn bó với Trường Sơn như tôi, đó cũng là một duyên may không thể quên...).

Ngày 11-2-1973:

Xe ô tô chở tài liệu sơ tán từ Châu Hóa về. Đó là chuyến cuối cùng. Hai ông bà già Duật, người giữ tài liệu về theo. Mình giúp hai ông bà chuyển đồ đạc về nhà riêng. Không biết có ai vào lúc này nghĩ đến sự đóng góp của người đi sơ tán? Có ai nhìn họ bằng con mắt khinh thường? Và họ thì nhìn những người bám trụ bằng con mắt hổ thẹn?

Trời Quảng Bình hầu như nắng liên tục suốt một tháng nay. Bà con bảo năm nay vui hòa bình nhưng rồi sẽ buồn vì hạn hán. Quanh nhà, cỏ hoang trải rộng. Chỉ đẹp những chùm hoa cải nở vàng.

Tiếng hát tập thể của các em trong trường học. Tiếng còi ô tô ban ngày. Tiếng xẻ gỗ làm nhà mới...

Ngày 12-2-1973:

Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Tường Lân vào bàn phương án khôi phục giao thông. Mấy hôm trước họp bạn ở Hội Văn nghệ cũng nghe phác họa kế hoạch kiến thiết rất to lớn. Kế hoạch đó đòi hỏi nhiều công sức, nhiệt tình, tài năng...

- Hôm kia, Kít-xinh-gơ đến Hà Nội. Quan hệ mới thật là tế nhị...

Ngày 7-3-1973:

Hơn một tháng hòa bình đã trôi qua. Rối lên với đại hội “Hai giỏi”, rồi làm hồ sơ khen thưởng tổng kết 1972. Ở Cộn chiếu xi-nê, xiếc liên tục nhưng không đi được buổi nào.

- Ngày 22-2: Cầu phao bắc qua sông Gianh với hơn 200 cái phao, dài hơn 500 mét. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh 559 cắt băng. Có đồng chí Nguyễn Tư Thoan dự. 4000 năm lịch sử, sông Gianh mới được nối liền. Lúc thông xe, nghe nói có nhà văn Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Tuân.
- Trời nắng hạn rất sớm. Đã thoáng có gió Lào. Vui hòa bình nhưng nông dân đang lo mất mùa.
- Trong tỉnh, có một vùng nghe nói vui như... Hà Nội. Đó là vùng quanh xã Hiền Ninh, nơi 559 sắp duyệt binh và tổng kết 13 năm xây dựng Đoàn 559.

- 26 và 27-2: Đại hội “Hai giỏi”...

Như thế, sau những cuộc “tổng kết”, Quảng Bình đã thật sự bước sang giai đoạn xây dựng trong hòa bình. Tròn 40 năm đã qua, Quảng Bình đã “xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” đúng như lòng mong mỏi của Bác Hồ trước lúc người đi xa, xứng đáng với những hy sinh lớn lao của bao thế hệ trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc...

                                    Trích nhật ký của nhà văn Nguyễn Khắc Phê





 

,