.

Khu tái định cư gần 10 năm chưa có sổ đỏ

.
08:35, Thứ Hai, 11/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã gần 10 năm chuyển đến khu tái định cư mới theo chính sách di giãn dân của huyện Lệ Thủy, nhưng đến nay hàng trăm hộ dân ở các xã Cam Thủy, Thanh Thủy và Hồng Thủy vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Mỏi mòn chờ…sổ đỏ

Năm 2009, UBND huyện Lệ Thủy có chính sách di giãn dân nhằm giảm áp lực ở những nơi đông dân cư, nơi thường xuyên bị ngập lụt. Nơi được chọn để người dân chuyển đến sinh sống là khu vực đồi cát trắng ở vùng ven biển của huyện Lệ Thủy. Nghe theo lời kêu gọi, có hơn 200 hộ dân của ba xã Cam Thủy, Thanh Thủy và Hồng Thủy đã đăng ký đến sống tại các khu tái định cư này.

Nhiều năm không được cấp sổ đỏ, đồng nghĩa với không có vốn phát triển sản xuất, nhiều hộ dân tại làng tái định cư Tân Lộc, xã Cam Thủy (Lệ Thủy) đã bỏ nhà đi vào miền nam kiếm sống.
Nhiều năm không được cấp sổ đỏ, đồng nghĩa với không có vốn phát triển sản xuất, nhiều hộ dân tại làng tái định cư Tân Lộc, xã Cam Thủy (Lệ Thủy) đã bỏ nhà đi vào miền Nam kiếm sống.

Thời điểm đó, chính quyền chỉ mở vài con đường cấp phối bằng đất và kéo đường điện cao thế, còn các công trình phúc lợi thiết yếu khác như trường học, trạm y tế… đều không có. Mỗi hộ dân ra khu tái định cư đều được hỗ trợ số tiền 10 triệu đồng để làm nhà ở kèm lời hứa sẽ làm sổ đỏ cho từng hộ. Tuy nhiên, cho đến nay đã gần 10 năm trôi qua, tất cả những hộ dân ở khu tái định cư này đều chưa một ai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chị Lê Thị Thu, thôn Tân Lộc, xã Cam Thủy (Lệ Thủy) cho biết, gia đình chị là một trong những hộ ra ở đợt đầu tiên tại khu tái định cư. Thời điểm đó, do hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên khi được vận động ra khu tái định cư là chị đăng ký ngay. Dù biết sẽ vô cùng gian nan khi ở đây bởi đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, hầu như toàn cát trắng, nhưng nghĩ đến việc có một mảnh đất để xây nhà, rồi như chính quyền hứa sẽ có sổ đỏ, gia đình chị vẫn quyết tâm đăng ký.

Vài năm trôi qua, chị cũng như hơn một trăm hộ trong thôn Tân Lộc vẫn không thấy chính quyền xã đả động gì đến chuyện cấp sổ đỏ. Anh Ngô Văn Cường, Trưởng thôn Tân Lộc cho hay, địa phương đã cùng các hộ trong thôn nhiều lần lên hỏi xã việc cấp sổ đỏ cho dân và đều được trả lời là sẽ có. Nhưng suốt 10 năm trôi qua, lời hứa hẹn đó vẫn chưa được thực hiện.

Chị Hoa Thị Hòa, ở thôn Mốc Định, xã Hồng Thủy chia sẻ, gia đình chị đã gắn bó với khu tái định cư này từ năm 2009. Đất đai ở đây cằn cỗi nên một năm chị chỉ làm được 1 vụ sản xuất tầm 4 tháng, khoảng thời gian còn lại thì không trồng được bất cứ cây gì. Bốn mẹ con chỉ biết trông chờ vào tiền đi làm thợ xây cũng thất thường của chồng. Gia đình chị khó khăn đến nỗi con cái đi học phải mượn tiền để đóng học phí.

Cùng hoàn cảnh với gia đình chị Hòa, người dân ở khu tái định cư vốn đã nghèo, muốn chăn nuôi trồng trọt gì cũng phải có vốn. Nhưng không có sổ đỏ không ai cho vay tiền nên đành chịu. Có hộ muốn xây dựng, mở rộng nhà cửa cũng không được chính quyền xã đồng ý vì chưa có sổ đỏ. Không biết làm gì để phát triển kinh tế, nhiều hộ dân không thể bám trụ tại khu tái định cư đã bỏ nhà hoang dắt nhau vào miền Nam kiếm sống, có người thì trở về nơi ở cũ.

Đất đai cằn cỗi, chỉ toàn cát trắng, khí hậu khắc nghiệt nên người dân ở thôn tái định cư Tân Lộc gặp rất nhiều khó khăn.
Đất đai cằn cỗi, chỉ toàn cát trắng, khí hậu khắc nghiệt nên người dân ở thôn tái định cư Tân Lộc gặp rất nhiều khó khăn.

“Tôi đang sống trên mảnh đất của mình nhưng lại không được mang tên mình. Giấy tờ cần thiết cũng đã ký tá đầy đủ mà chờ mãi vẫn không thấy có sổ đỏ. Không biết người dân chúng tôi phải đợi đến bao giờ”, chị Hòa bức xúc nói. Theo các hộ dân ở khu tái định cư, nhiều năm qua, những lần tiếp xúc cử tri của huyện, xã, người dân đều đã có đơn thư phản ánh việc này, nhưng chỉ được ghi nhận chứ không thấy giải quyết.

Ông Nguyễn Quang Hùng, ở khu tái định cư xã Hồng Thủy cho biết, sau gần 10 năm về nơi ở mới, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng gia đình ông đã nỗ lực vượt qua, ổn định cuộc sống. Hiện tại ông đã có một khu vườn nhỏ được quy hoạch đẹp với nhiều loại cây đã cho thu hoạch; nhà cửa cũng đã được xây dựng kiên cố.

Tuy nhiên, điều làm ông trăn trở, lo lắng là đến nay, gia đình ông và nhiều hộ dân ở đây vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến nhiều thiệt thòi, hệ lụy. "Không có sổ đỏ, chúng tôi không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi hoặc phát triển kinh tế vườn”, ông Hùng bày tỏ.

Đâu là nguyên nhân?

Ông Châu Văn Sông, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết, xã Hồng Thủy có 52 hộ dân được cấp đất ở khu tái định cư thuộc Dự án di dãn dân của huyện Lệ Thủy. Đến thời điểm hiện tại thì chỉ có gần 50% số hộ còn bám trụ tại khu tái định cư, số còn lại thì quay về nơi ở cũ hoặc bỏ đi nơi khác làm ăn xa.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng gần 10 năm nay người dân ở đây vẫn chưa được cấp sổ đỏ, ông Sông cho hay, UBND xã không có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân mà chỉ có nhiệm vụ làm hồ sơ giúp bà con.

Theo quy định, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bắt buộc người dân phải có quyết định giao đất. Nhưng hiện tại thì không có hộ dân nào có quyết định giao đất nên muốn hoàn thiện hồ sơ để cấp sổ đỏ cũng khó. Chị Hoa Thị Hòa cho biết, khi chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư, gia đình chị không được chính quyền cấp quyết định giao đất.

Chị Hoa Thị Hòa, ở khu tái định cư xã Hồng Thủy mong muốn sớm được cấp sổ đỏ để vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Chị Hoa Thị Hòa, ở khu tái định cư xã Hồng Thủy mong muốn sớm được cấp sổ đỏ để vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Thời điểm đó, gia đình chị và người dân trong thôn cũng không ai để ý đến vấn đề này. Mấy năm sau khi lên xã hỏi thủ tục làm sổ đỏ mới hay biết là phải có quyết định giao đất. Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có các hộ dân ở khu tái định cư xã Hồng Thủy mà các hộ dân ở xã Thanh Thủy, Cam Thủy cũng chưa được chính quyền cấp quyết định giao đất.

Bên cạnh đó, cái vướng thứ hai cần tháo gỡ là nghĩa vụ tài chính. “Đất cấp ở khu tái định cư đều có diện tích lớn, tương đương với khoản lệ phí không hề nhỏ. Trong khi đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, để có tiền đóng thuế đất cũng không phải là việc dễ dàng. Mặt khác, nhiều hộ dân cho rằng đất tái định cư cấp cho dân thì phải làm sổ đỏ cho dân chứ không chịu đóng tiền thuế đất”, ông Sông giãi bày.

Ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, để khắc phục tình trạng chậm trễ nói trên, UBND huyện đã thành lập một tổ liên ngành để rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân thuộc Dự án di dãn dân tại các xã Cam Thủy, Thanh Thủy và Hồng Thủy.

Có an cư thì mới lạc nghiệp. Để hàng trăm hộ dân ở khu tái định cư sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, đề nghị  UBND huyện Lệ Thủy có những động thái tích cực, giải quyết dứt điểm các vướng mắc nhằm sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tránh tình trạng dây dưa kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Lan Chi

 

 

 

 

 

,
  • Cho phép con gái treo biển quảng cáo tại công sở, Chủ tịch phường Quảng Phúc bị phê bình

    (QBĐT) - Tiếp thu thông tin phản ánh của báo chí (trong đó có Báo Quảng Bình), UBND thị xã Ba Đồn đã có ý kiến phê bình Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc trong việc quản lý, sử dụng trụ sở công khi cho phép treo bảng hiệu bảo hiểm PVI không đúng quy định tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN phường Quảng Phúc.

    24/05/2018
    .
  • Một tuyến đường bị "lãng quên" duy tu, bảo dưỡng

    (QBĐT) - Đó là đường Trần Thủ Độ nối liền với đường Hoàng Quốc Việt thuộc địa phận TDP 3-Phú Vinh, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) kéo dài đến phường Đồng Sơn. Theo phản ánh của bạn đọc, tuy chưa đến 1km nhưng tuyến đường này có hàng chục "ổ gà", "ổ trâu" tồn tại đã nhiều năm qua nhưng không được đơn vị quản lý duy tu, bảo dưỡng dù người dân đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng.

    19/05/2018
    .
  • Bảo hiểm xã hội tỉnh khẳng định đã thực hiện đúng quy định

    (QBĐT) - Vừa qua, Báo Quảng Bình nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh về việc nhiều cựu giáo viên mầm non trong tỉnh bỗng nhiên bị phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) ra quyết định điều chỉnh hạ mức lương hưu và bị truy thu một phần số tiền lương hưu đã nhận.

    17/05/2018
    .
  • Cán bộ địa chính xã Phúc Trạch bị khởi tố nhưng vẫn tiếp tục công tác?

    (QBĐT) - Trước đó, ngày 30-1-2018, Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện Bố Trạch đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Thanh Sơn (SN 1967) trú tại thôn 2, Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản".

    14/05/2018
    .
  • Trụ sở chính quyền trở thành nơi quảng cáo bảo hiểm (?!)

    (QBĐT) -  Báo Quảng Bình vừa nhận được ý kiến của bạn đọc phản ánh việc con gái của Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc (Ba Đồn) đã biến trụ sở chính quyền làm nơi treo bảng hiệu quảng cáo, giao dịch bán bảo hiểm. Qua xác minh, sự việc bạn đọc phản ánh là đúng sự thật và đã tồn tại từ 8 tháng qua.

     

    13/05/2018
    .
  • Mức đền bù, hỗ trợ đúng quy định pháp luật

    (QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Hạnh (sinh năm 1977, thường trú tại tổ dân phố (TDP) 6, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn) với nội dung...

    09/05/2018
    .
  • Công trình đường vào khu sản xuất ở thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp (Minh Hóa): Có phải thanh toán khống khối lượng?

    (QBĐT) - Vừa qua, Báo Quảng Bình nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh về việc nhà thầu thi công công trình đường cấp phối vào khu sản xuất thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp (Minh Hóa) đã dừng thi công công trình này từ lâu khi công trình đang còn dở dang.

    01/06/2018
    .
  • Cần chú trọng bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác titan

    (QBĐT) - Nhiều năm qua, nhiều hộ dân ở các xã Ngư Thủy Nam và Sen Thủy của huyện Lệ Thủy phải sống khổ sở bên con đường "nắng bụi, mưa lầy" và nguồn nước giếng ngày càng cạn do việc khai thác titan.

    01/06/2018
    .