.

Điều chuyển giáo viên để chống thừa biên chế

.
08:49, Thứ Tư, 21/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ năm 2017, Sở GD-ĐT Quảng Bình thực hiện chủ trương điều chuyển giáo viên trong các trường THPT để giải quyết vấn đề thừa biên chế của trường này nhưng lại thiếu biên chế ở trường kia. Việc điều chuyển này có cần thiết và có làm xáo trộn, gây lo ngại trong đội ngũ giáo viên?

Thực tế đã có sự lo ngại trong đội ngũ giáo viên ở một số trường. Như lo đi rồi không về lại được trường cũ, phải xa gia đình... Ngoài ra còn vấn đề khác nảy sinh như giáo viên không an tâm giảng dạy tại trường mới vì chỉ đi tạm thời nên không toàn tâm toàn ý cho đầu tư giảng dạy...

Giải quyết "bài toán" thừa biên chế

Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, cho biết năm 2017 toàn ngành dôi dư 18 người so với biên chế. Năm 2018 số giáo viên dôi dư ở các trường so với định biên là 35 người, chưa kể áp lực của chủ trương tinh giản biên chế chung của tỉnh đối với ngành là 101 người. Nếu không điều chuyển thì chắc chắn số giáo viên dôi dư này ở các trường sẽ phải xem xét để chấm dứt hợp đồng hoặc tìm cách giải quyết khác phù hợp hơn.

“Vì vậy nên sở bắt đầu thực hiện chủ trương điều chuyển giáo viên thừa ở các môn học của trường này đến các trường thiếu, nhằm sử dụng hết số giáo viên hiện có. Như vậy nơi thiếu thì có giáo viên, nơi thừa cũng không còn tình trạng giáo viên không có lớp để dạy” - ông Nhân nói.

Trường THPT Phan Đình Phùng là trường đã có số lượng giáo viên điều chuyển  nhiều nhất của ngành GD Quảng Bình.
Trường THPT Phan Đình Phùng là trường đã có số lượng giáo viên điều chuyển nhiều nhất của ngành GD Quảng Bình.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác buộc ngành GD Quảng Bình phải thực hiện điều chuyển giáo viên, như tình trạng số lớp và số học sinh giảm nhiều so với các năm học trước ở một số địa phương.

Trước đây các trường ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch... tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu, thiếu môn nào tuyển môn đó nên bây giờ lại thừa ra phải điều chuyển đi các huyện thiếu như Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Trạch. Năm 2017 đã có 14 giáo viên thực hiện điều chuyển. Năm 2018 dự kiến điều chuyển hết số dôi dư ở các trường, bắt đầu từ tháng 7, là 35 người. Thời gian điều chuyển là một năm.

Ở Trường THPT Phan Đình Phùng (TP. Đồng Hới), bà Nguyễn Thị Hải Yến, hiệu trưởng, cho biết trường đã điều chuyển 8 người. Số giáo viên này ở các bộ môn có dư thừa giáo viên như toán, công nghệ, văn, sử. Theo bà Yến, thực hiện chủ trương điều chuyển của sở là đúng, trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay.

“Nếu không, sẽ trở thành gánh nặng cho các trường trong vấn đề tiền lương. Vì nhiều giáo viên ở trong dạng hợp đồng của các trường hoặc chưa được xét vào biên chế để hưởng lương từ ngân sách. Vì vậy, vừa qua hầu hết giáo viên thuộc diện điều chuyển của trường đều đồng tình, thậm chí còn xung phong đi trước” - bà Yến bộc bạch.

Tuy vậy, bà Yến cũng có băn khoăn, như nhiều giáo viên là nữ nên đi xa nhà là gặp khó khăn khiến họ không an tâm công tác. Thời gian điều chuyển là một năm, nên nếu trường nào có bộ môn thừa hai người, đồng nghĩa là cứ hai năm họ phải thay nhau đi khỏi trường một năm, cứ vậy thì quả thật không ai yên tâm hoặc chí thú giảng dạy được.

Bà Yến cho rằng việc điều chuyển này gây ra sự xáo trộn tâm lý của giáo viên, khiến họ không an tâm công tác là không tránh khỏi, và chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Vì vậy, sở cần có giải pháp căn cơ về lâu dài hơn cho các trường và đội ngũ giáo viên, như cho các trường thêm số lớp, thêm số lượng học sinh hằng năm...”.

Cô giáo Phan Thị Hường, điều chuyển từ Trường THPT Phan Đình Phùng đến Trường THCS và THPT Việt Trung (huyện Bố Trạch), cho biết: “Trong bối cảnh dư thừa giáo viên ở trường cũ như vậy thì tôi đồng ý với chủ trương điều chuyển. Nhưng nguyện vọng là sau khi hết thời hạn thì được trở về trường cũ thôi”.

Chủ trương luân chuyển được xem xét kỹ càng

Ông Nhân cho biết, trong chủ trương điều chuyển của sở đã gửi các trường, sở chỉ đạo rất rõ các trường hợp không hoặc chưa điều chuyển. Đó là các giáo viên đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo, được cử đi học dài hạn tập trung từ 9 tháng trở lên, người có thời hạn công tác còn lại dưới 18 tháng trước khi đủ tuổi nghỉ hưu...

Trong các trường phải công khai vị trí, số lượng việc làm và các vị trí dôi dư, họp tổ chuyên môn đề nghị nhân sự để điều chuyển theo nguyên tắc người có điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi đi trước, người có hoàn cảnh khó khăn đi sau, gặp gỡ giáo viên trao đổi thống nhất và nghe họ đề đạt tâm tư nguyện vọng...

Tuy vậy, qua lần điều chuyển năm 2017, ông Nhân cũng thừa nhận còn một số hạn chế nhất định, như các trường còn chưa chú trọng công tác vận động, giải thích và chưa có phương pháp thực hiện tốt nên làm cho một số giáo viên nghi ngờ tính khách quan của chủ trương và cách chọn người để điều chuyển. Dẫn đến còn có giáo viên không nhường nhịn và cảm thông cho hoàn cảnh gia đình của nhau khi trường xem xét điều chuyển...

Ông Nhân cũng cho biết, nhiều giáo viên, thậm chí hiệu trưởng các trường, cũng băn khoăn về chủ trương điều chuyển của sở và không biết đến bao giờ thì thôi thực hiện. “Khi đưa ra chủ trương này chúng tôi đã xem xét rất kỹ càng, nhằm không gây bất lợi gì cho giáo viên và phải bảo đảm công bằng.

Đó là giáo viên được điều chuyển luân phiên, sau khi kết thúc học kỳ 1, việc điều chuyển sẽ dừng lại khi trường không có giáo viên dôi dư so với biên chế, hoặc khi năm học tiếp theo có tăng thêm số lượng lớp và học sinh. Sở và các trường sẽ tiếp nhận trở lại giáo viên, sau khi họ thực hiện xong thời gian điều chuyển” - ông Nhân nói.

Thiên Hà
 

,