.

Cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác titan

.
08:42, Thứ Hai, 25/12/2017 (GMT+7)

(QBĐT) - Một thời gian dài trước đây, hoạt động khai thác titan trên địa bàn tỉnh ta diễn ra ồ ạt, làm ảnh hưởng đến môi trường và gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Trong những năm gần đây, chính quyền các cấp đã tăng cường, kiểm tra, giám sát vấn đề hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chuyển biến chậm

Khai thác tài nguyên một mặt sẽ mang lại lợi ích lớn về kinh tế-xã hội, nhưng mặt khác dù ít dù nhiều chắc chắn sẽ có tác động đến môi trường sống. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hàm lượng titan tập trung chủ yếu tại các xã vùng cát ven biển trên địa bàn tỉnh ta không cao, việc khai thác loại khoáng sản này chủ yếu tận thu.

Độ dốc còn lớn, khiến tỷ lệ cây trồng bị chết ở khu vực phục hồi môi trường của Công ty CP khoáng sản Hoàng Long khá cao.
Độ dốc còn lớn, khiến tỷ lệ cây trồng bị chết ở khu vực phục hồi môi trường của Công ty CP khoáng sản Hoàng Long khá cao.

Do đó, có thời gian, hoạt động khai thác titan trên địa bàn tỉnh ta diễn ra ồ ạt, làm ảnh hưởng đến môi trường và gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân là do công nghệ khai thác lạc hậu, đơn vị được cấp phép khai thác taitan thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ đầy đủ các quy trình về khai thác, phục hồi môi trường, và do cả công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp còn bị buông lỏng.

Trên địa bàn xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy hiện có 5 đơn vị khai thác titan, trong đó có 4 giấy phép do UBND tỉnh cấp đã hết hiệu lực, 1 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp năm 2015 đang thực hiện khai thác. 4 đơn vị khai thác do UBND tỉnh cấp hết hiệu lực đã lập đề án đóng cửa mỏ và đã được UBND tỉnh phê duyệt, gồm có Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình, Công ty CP Khoáng sản Hoàng Long, Công ty TNHH XD Thanh Bình và Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Sen Hồng.

Tuy nhiên, qua nhiều đợt kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh qua nhiều năm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là của UBND tỉnh, hiện mới chỉ có một đơn vị là Công ty CP Xuất nhận khẩu Quảng Bình đã hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường và bàn giao cho UBND huyện Lệ Thủy theo quy định. 3 công ty còn lại vẫn chưa hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường, mặc dù đã được các đoàn kiểm tra của UBND tỉnh nhiều lần yêu cầu thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Theo bà Trần Thị Ngọc Trâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy, mặc dù các mỏ khai thác cũ đã được các công ty ở đây khai thác xong và đã được lập đề án đóng cửa mỏ, nhưng tiến độ hoàn thổ, san ủi mặt bằng, trồng cây phục hồi môi trường sau khai thác vẫn còn chậm, chất lượng giống cây trồng kém.

Điều đó, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, phát triển bền vững và gây bức xúc trong dư luận nhân dân ở các khu vực này. UBND tỉnh và UBND huyện đã nhiều lần thành lập các đoàn kiểm tra, nhắc nhở các công ty thực hiện nghiêm túc việc cải tạo, phục hồi môi trường.

Trước những bức xúc của dư luận, ngày 8-8-2017, Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân đã đi kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác titan ở đây.

Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản các đơn vị đã thực hiện cải tạo mặt bằng, phục hồi môi trường sau khai thác. Tuy nhiên, ở một số khu vực mật độ cây trồng chưa bảo đảm, cây bị chết do vùi lấp và quá trình chăm sóc, giống cây chưa đạt yêu cầu quy định.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị khai thác tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cam kết và quy định về khai thác khoáng sản, san lấp mặt bằng trồng cây, trả lại nguyên trạng mặt bằng ban đầu. Cụ thể, đối với Công ty CP Khoáng sản Hoàng Long, yêu cầu công ty tiếp tục chăm sóc, trồng dặm vào những diện tích cây trồng bị chết.

Đến ngày 31-12-2017, công ty phải hoàn thành trồng cây để Ban Quản lý rừng phòng hộ phía Nam Quảng Bình nghiệm thu. Đối với diện tích khai thác titan của Chi nhánh Công ty TNHH xây dựng Thanh Bình, do Công ty CP Khoáng sản Hoàng Long chịu trách nhiệm phục hồi môi trường, yêu cầu công ty phải san ủi mặt bằng đối với diện tích hồ nước để bảo đảm độ cao, đồng thời tiến hành trồng cây phục hồi môi trường.

Đối với Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Sen Hồng, yêu cầu công ty tiếp tục thực hiện phương án cải tạo phục hồi môi trường, cây trồng đối với khu mỏ. Nếu công ty này không thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ sử dụng kinh phí ký quỹ cải tạo môi trường của dự án để thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định.

Đối với các khu vực mỏ đang thực hiện hoạt động khai thác titan của Công ty CP TNHH Kim Tín Quảng Bình và Công ty Cổ phần khoáng sản Hoàng Long đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp năm 2015 (thời hạn 17 năm), với diện tích hơn 382 ha, Đoàn kiểm tra yêu cầu các đơn vị thực hiện khai thác theo quy định được cấp phép và các quy định của pháp luật có liên quan.

Cụ thể, khai thác đến đâu phải hoàn trả mặt bằng đến đấy, thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động khai thác cho các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. Và đặc biệt phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết các kiến nghị của người dân (nếu có) để bảo đảm ổn định tình hình trên địa bàn.

Có mặt tại các mỏ khai thác của Công ty CP TNHH Kim Tín Quảng Bình và Công ty Cổ phần khoáng sản Hoàng Long, chúng tôi nhận thấy, các yêu cầu của đoàn kiểm tra đang được các đơn vị triển khai. Tại mỏ khai thác của Công ty Cổ phần khoáng sản Hoàng Long, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Hoàng Long cho biết, tranh thủ thời điểm mùa mưa, công ty đang tiến hành trồng cây, trồng xen, trồng dặm cây ở các khu vực có nhiều cây bị chết bảo đảm theo yêu cầu. Đến nay, 40/40ha ở khu vực mỏ cũ khai thác từ năm 2011 đến năm 2014 đã cơ bản hoàn thành công tác hoàn thổ, cải tạo, phục hồi môi trường.

Tại mỏ titan do Xí nghiệp khai thác khoáng sản Sen Thủy khai thác (khu vực mỏ được cấp phép cho Công ty CP TNHH Kim Tín Quảng Bình), ông Phạm Việt Phong, Giám đốc xí nghiệp cho hay, hiện diện tích 126ha được cấp phép khai thác từ năm 2008 đến năm 2014, công ty đã hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường và bàn giao cho UBND huyện Lệ Thủy.

Riêng diện tích được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp năm 2015, đơn vị mới khai thác được hơn 4ha. Công ty sẽ thực hiện việc phục hồi môi trường theo hình thức cuốn chiếu, khai thác đến đâu, cải tạo mặt bằng, trồng cây và phục hồi môi trường đến đó. Mọi quy trình, công ty sẽ bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định đánh giá tác động môi trường và các cam kết.

Khu vực mỏ khai thác titan của Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình đã bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, sau khi được phục hồi môi trường.
Khu vực mỏ khai thác titan của Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình đã bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, sau khi được phục hồi môi trường.

Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm hiện nay đó là việc các đơn vị được cấp phép khai thác titan trên diện tích rộng lớn (382ha) và kéo dài trong thời gian đến 17 năm, liệu có ảnh hưởng đến môi trường? Ông Đặng Xuân Diệu, Giám đốc Công ty CP TNHH Kim Tín Quảng Bình cho biết: “Hiện diện tích 382ha được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác từ năm 2015 đến năm 2032 sẽ do 3 đơn vị trực tiếp tiến hành khai thác gồm: Công ty CP TNHH Kim Tín Quảng Bình, Công ty CP khoáng sản Hoàng Long và Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình.

3 đơn vị đã thống nhất thành lập Ban quản lý, điều hành khai thác titan, nhằm kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác và phục hồi môi trường sau khai thác. Đơn vị nào không làm đúng các quy định về đánh giá tác động môi trường, đơn vị đó sẽ tự chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, hàng quý, chúng tôi phối hợp với Trung tâm quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) tiến hành quan trắc, kiểm soát các chỉ số đánh giá tác động môi trường đối với các khu vực mỏ khai thác. Cho đến thời điểm hiện tại, các chỉ số đánh giá tác động môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép”.

Việc khai thác titan sẽ có tác động lớn đến môi trường sinh thái, nên công tác phục hồi môi trường phải được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, vừa phải kết hợp hài hòa giữa việc phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Vì vậy, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề này, nhằm kiểm soát tốt các hoạt động khai thác, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường do việc khai thác titan để lại. Đồng thời kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác titan, qua đó gióp phần bảo vệ tốt môi trường.

Nhóm P.V Bạn đọc


 

,