.

Đủ căn cứ để giải quyết chế độ bhxh cho bà Lưu Thị Bằng

.
10:46, Thứ Hai, 25/09/2017 (GMT+7)

(QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận được đơn của bà Lưu Thị Bằng, sinh năm 1941, thường trú tại xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, nguyên giáo viên mầm non trước năm 1980, khiếu nại về việc bà có thâm niên công tác 19 năm liên tục trong ngành Giáo dục nhưng cho đến nay vẫn chưa được hưởng bất cứ một chế độ hỗ trợ nào.

 

Bà Lưu Thị Bằng trình bày sự việc với phóng viên Báo Quảng Bình.
Bà Lưu Thị Bằng trình bày sự việc với phóng viên Báo Quảng Bình.

Theo đơn trình bày của bà Lương Thị Bằng cũng như trong quá trình gặp gỡ, trao đổi cùng phóng viên Báo Quảng Bình, bà cho biết: “Từ năm 1960, tôi tham gia dạy vỡ lòng ở xã Hạ Trạch, nguyên quán của mình, với chức danh là giáo viên vỡ lòng, thuộc Phòng Giáo dục huyện Bố Trạch.

Giai đoạn 1961-1962, tôi được Phòng Giáo dục huyện cử đi học lớp sư phạm mầm non tại Hà Nội. Trong các năm từ 1963-1967, tiếp tục dạy vỡ lòng ở xã Hạ Trạch, đảm nhận chức vụ tổ trưởng khối vỡ lòng, trưởng cụm dạy vỡ lòng phụ trách 4 xã Thanh Trạch, Bắc Trạch, Hạ Trạch, Mỹ Trạch.

Từ năm 1967-1971, tham gia đội giáo dục lưu động thuộc Phòng Giáo dục huyện đi các xã xây dựng lớp học. Do gia đình tôi sinh sống tại xã Quảng Đông nên cuối năm 1971, theo nguyện vọng của tôi, Phòng Giáo dục huyện Bố Trạch nhất trí cho tôi chuyển về Phòng Giáo dục huyện Quảng Trạch. Ở xã Quảng Đông, Quảng Tùng, tôi tham gia giảng dạy đến năm 1979 thì nghỉ do hoàn cảnh gia đình khó khăn”.

Về các loại giấy tờ liên quan chứng minh quá trình bà Lưu Thị Bằng có 19 năm liên tục dạy vỡ lòng (mầm non) hiện tại bị mất, bà Bằng giải thích: “Năm 1973, gia đình sơ tán lên xã Quảng Hợp, ngôi nhà bị trúng bom, tài sản cháy hết, trong đó có các loại giấy tờ, còn hồ sơ sau năm 1973 cũng bị thất lạc”.

Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ BHXH, bà Lưu Thị Bằng trở lại các địa phương nơi mình từng công tác và được chính quyền tại đó xác nhận thời gian, chức vụ mà bà đảm nhận gồm: giai đoạn tháng 8-1960 đến tháng 8-1971 là tổ trưởng, cụm trưởng cụm vỡ lòng, xã Hạ Trạch; từ tháng 9-1971 đến tháng 9-1973 dạy học tại thôn 19-5, xã Quảng Đông; từ tháng 9-1973 đến tháng 12-1979, dạy học tại xã Quảng Tùng.

Về đơn kiến nghị của bà Lưu Thị Bằng đề nghị tính thời gian công tác trước ngày 1-1-1995 trong lĩnh vực giáo dục mầm non để hưởng chế độ BHXH, gửi Thường trực HĐND huyện Quảng Trạch, ngày 4-8-2017, Thường trực HĐND huyện chuyển đơn bà Bằng cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết chế độ theo quy định pháp luật.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho phóng viên biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch HĐND huyện, ngày 11-9-2017, UBND huyện Quảng Trạch giao cho Phòng Giáo dục, Phòng Nội vụ, BHXH huyện xem xét, nghiên cứu, giải quyết chế độ BHXH cho bà Lưu Thị Bằng theo đúng pháp luật. Trong vòng 30 ngày phải có kết quả báo cáo cho UBND huyện để trả lời đơn thư của công dân”.

Ông Phạm Thanh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quảng Trạch xác nhận: “Trường hợp tương tự như bà Lưu Thị Bằng trên địa bàn huyện Quảng Trạch khá nhiều, Phòng Giáo dục huyện đang phối hợp với Hội cựu giáo chức tiến hành thống kê, nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan, sau đó sẽ xây dựng hồ sơ những đối tượng đủ điều kiện hưởng BHXH trên tinh thần bảo vệ lợi ích chính đáng cho những cựu giáo chức thuộc diện này”.

Ông Đoàn Quốc Tranh, Giám đốc BHXH huyện Quảng Trạch cho biết thêm: “Trường hợp bà Lưu Thị Bằng, sau khi cơ quan BHXH nhận được đơn đã cử chuyên viên về tận gia đình xem xét tìm hướng tháo gỡ. Căn cứ Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, ngày 11-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc (mục 7, Điều 24) và Công văn số 333/LĐTBXH-BHXH của Bộ LĐ-TB và XH về tháo gỡ vướng mắc trong việc tính thời gian công tác trước ngày 1-1-1995 để hưởng BHXH đối với giáo viên mầm non thì bà Bằng đủ điều kiện hưởng BHXH. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ thuộc thẩm quyền của UBND huyện và ngành Giáo dục”.

 Xác nhận của chính quyền địa phương nơi bà Bằng từng tham gia dạy học giai đoạn 1960-1979.
Xác nhận của chính quyền địa phương nơi bà Bằng từng tham gia dạy học giai đoạn 1960-1979.

Mục 2, Công văn 333/LĐTBXH-BHXH quy định: “Khi xem xét, giải quyết tính thời gian công tác trước ngày 1-1-1995 để hưởng BHXH đối với giáo viên mầm mon, hồ sơ làm căn cứ xác định thời gian công tác được thực hiện theo quy định tại các văn bản trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 1-1-1995. Trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 1-1-1995 thì thực hiện theo quy định tại khoản 7, Điều 23, Nghị định 115/NĐ-CP”.

Khoản 7, Điều 23, Nghị định 115/NĐ-CP nêu rõ: “Đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 1-1-1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo bộ, ngành chủ quản ở Trung ương hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn bản gửi Bộ LĐ-TB và XH để xem xét, quyết định”.

Như vậy, chiếu theo các quy định hiện hành và trả lời của các cơ quan chức năng nói trên bà Lưu Thị Bằng có đủ căn cứ pháp lý để tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ BHXH.

Thanh Long





 

,