.

Ông Dương Đình Văn có được hưởng chế độ như thương binh?

.
09:11, Thứ Hai, 10/07/2017 (GMT+7)

(QBĐT) - Đằng đẵng suốt 27 năm qua, ông Dương Đình Văn ở tổ dân phố 7, phường Nam Lý (Đồng Hới) đã mang đơn cùng tất tật những giấy tờ chứng minh mình xứng đáng thuộc trường hợp được hưởng chế độ như thương binh đến “gõ cửa” hầu khắp các cơ quan chức năng. Thế nhưng, ở đâu ông cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối, với lý do ông chỉ bị “tai nạn lao động”?

Ông Văn không thể nhớ hết bao nhiêu lần gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng, nhưng ông cũng chỉ nhận những cái lắc đầu đầy cảm thông như thế. Còn những vết thương thì cứ hành ông mỗi lúc thời tiết thay đổi. Có thể vì thế, hoặc cũng có thể vì quá nhiều lần viết đơn gửi các cơ quan chức năng, nên giờ đây dù đã gần 80 tuổi, ông vẫn nhớ như in những câu chuyện của mình.

Ông Văn kể lại rằng, đầu tháng 6-1967, lúc đó, ông đang là cán bộ Công ty Ngoại thương Quảng Bình được cử ra Hà Nội công tác (bằng xe đạp). Sau khi chuẩn bị hoàn thành nhiệm vụ, ông tiếp tục nhận được điện của lãnh đạo Công ty Ngoại thương Quảng Bình giao nhiệm vụ áp tải xe hàng của nước bạn Lào về và giao cho phía bạn.

Nhiệm vụ bất ngờ, nhưng giữa thời chiến, ông vẫn chấp hành và thực hiện một cách rất nghiêm túc. Đêm 17-6-1967, xe chở hàng do ông áp tải đến bến phà Đò Lèn (thuộc tỉnh Thanh Hóa) thì bị máy bay Mỹ ném bom trúng. Xe bị cháy. Ông Trần Văn Đáo, lái xe hi sinh ngay trong buồng lái (sau này được công nhận liệt sĩ).

Trên xe lúc đó còn có ông và ông Võ Văn Vân-cán bộ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) tỉnh Quảng Bình người đi nhờ xe bị ném bật ra khỏi xe và đều bị thương. Ông được cấp cứu tại Bệnh viện Đường sắt vùng Đò Lèn, sau đó tiếp tục được đưa ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để chữa trị. Cuối năm 1967, ông được xuất viện, trở về Công ty Ngoại thương Quảng Bình công tác và được nhận sổ thương tật.

Ông Dương Đình Văn và vết thương trên cánh tay vào đêm 17-6-1967.
Ông Dương Đình Văn và vết thương trên cánh tay vào đêm 17-6-1967.

Theo biên bản xác định thương tật của Hội đồng khám xét thương tật tỉnh, ngày 16-8-1975 kết luận, ông bị thương tật 32%, xếp thương tật hạng 2 vĩnh viễn. Sau đó ông đã được hưởng chế độ chính sách tai nạn lao động.

Thế nhưng, tình cờ năm 1989, qua ông Võ Văn Vân, một người bạn cùng bị thương ở trên chuyến xe đêm 17-6-1967, ông biết được Nhà nước đang có chính sách chuyển chế độ được hưởng như thương binh cho những đối tượng bị tai nạn trong chiến tranh nếu có đủ các điều kiện. Ông hi vọng, với những cống hiến và hi sinh của mình sẽ được đền đáp.

Niềm hi vọng đó càng được tiếp thêm sức mạnh khi chính ông Vân cũng được hưởng chính sách này. Nhưng vì lúc đó tỉnh Bình-Trị-Thiên đang trong quá trình chia tách tỉnh, trở về địa giới hành chính cũ trước đây, nên mãi đến năm 1990 ông mới tiến hành làm các thủ tục cần thiết để xin được đổi chế độ. Vậy mà, khi đưa hồ sơ đến Sở LĐTB-XH tỉnh xin được đổi sổ, ông bị từ chối, vì ông chỉ thuộc đối tượng “tai nạn lao động”.

Chuyện bị thương trong lúc làm nhiệm vụ quốc tế của ông đã có nhiều nhân chứng xác nhận. Ông Lê Quang Toàn (tức Lê Quang Địch), nguyên Chủ nhiệm Công ty Ngoại thương Quảng Bình (giai đoạn 1960-1967) xác nhận rằng: “Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, Công ty Ngoại thương thực hiện các chức năng tổng hợp, xuất-nhập khẩu, mậu dịch biên giới, trực tiếp giao và nhận hàng hóa mậu dịch với nước bạn Lào, áp tải hàng hóa giúp bạn của Bộ giao qua đường Trường Sơn, đường 12. Đồng chí Dương Đình Văn bị thương trong trường hợp đang làm nhiệm vụ áp tải hàng, được đồng chí Phan Trung Khiêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Công ty trực tiếp giao nhiệm vụ”.

Để ông Văn không bị thiệt thòi quyền lợi chính đáng được hưởng, tập thể đơn vị mà ông công tác lúc bấy giờ là Công ty Ngoại thương Quảng Bình cũng đã có công văn gửi đến ngành LĐTB-XH tỉnh. Công văn số 532/CV-TC, ngày 16-12-2004 của Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình đề nghị Sở LĐTB-XH tỉnh giải quyết chế độ cho ông Dương Đình Văn có nêu rõ: “Trường hợp ông Dương Đình Văn, nguyên cán bộ Công ty Ngoại thương Quảng Bình được Công ty giao nhiệm vụ áp tải xe hàng mậu dịch Việt-Lào về đi tiếp sang Lào. Đêm 17-6-1967, xe xuống bến phà Đò Lèn-Thanh Hóa, thì bị máy bay Mỹ ném bom cháy xe, trúng người. Như vậy, ông Dương Đình Văn bị thương trong khi làm nhiệm vụ quan hệ quốc tế Việt-Lào ở nơi bom đạn ác liệt chứ không phải bị thương vì tai nạn lao động”.

Những lá đơn cùng những bằng chứng đã được ông Văn gửi đến cơ quan chức năng với hi vọng sẽ có một ngày những cống hiến, hi sinh của ông sẽ được công nhận. Thế rồi ngày ấy cũng đã đến. Đầu tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Sở LĐTB-XH đã trực tiếp đến gặp ông và hứa sẽ xem xét lại. Ông mừng đến rơi nước mắt. Ông bảo rằng, đây là lần đầu tiên ông nhận được cái “gật đầu” chấp nhận xem xét giải quyết từ phía các cơ quan chức năng. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết: “Nếu theo các văn bản đã giải quyết và có kết luận trước đây, thì ông Văn sẽ không được xem xét giải quyết.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu đơn và một số thông tin liên quan, Sở sẽ xem xét lại, nhằm bảo đảm quyền lợi theo quy định của chính sách người có công cho ông. Trước mắt, lãnh đạo Sở đã trực tiếp gặp và đối thoại với ông Văn, nhằm tìm ra những căn cứ và những vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, Sở cũng đã gửi công văn đến một số cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan để thu thập căn cứ, hồ sơ. Khi nào thu thập đủ hồ sơ, Sở sẽ đối chiếu, xem xét tham mưu UBND tỉnh và cấp trên quyết định.

Dương Công Hợp


 

,