.

Kiến nghị của các hộ dân xã Võ Ninh đã được giải quyết theo quy định hiện hành

.
14:50, Thứ Ba, 11/07/2017 (GMT+7)

(QBĐT) - Vừa qua, Báo Quảng Bình nhận được nhiều đơn, thư và phản ánh của bạn đọc về việc UBND xã Võ Ninh (Quảng Ninh) thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc xem xét hồ sơ đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân khai thác, nuôi trồng thủy sản sau sự cố môi trường biển đã làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của bà con. Qua phản ánh của bạn đọc, phóng viên đã về địa phương để tìm hiểu về vấn đề này.

Ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh cho biết: Đến thời điểm này, thực hiện các quy trình, hướng dẫn của cấp trên, xã đã tiến hành chi trả cho 37 thuyền đánh cá trên sông Nhật Lệ với mức hỗ trợ cao nhất là 100 triệu đồng; tổng chi trả đợt 1 là 2,9 tỷ đồng. 

Trả lời câu hỏi về việc người dân phản ánh tại xã Võ Ninh việc làm hồ sơ đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản gặp phải những vướng mắc giữa các hộ dân với UBND xã; nhiều hộ dân cho rằng chính quyền sở tại hẹp hòi, cứng nhắc, ông Nguyễn Minh cho hay: Từ đầu tháng 5-2016, UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các xã thống kê các hộ dân nuôi trồng thủy sản nước lợ bị thiệt hại và của các cấp hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với việc hải sản chết bất thường.

Qua thống kê tại thời điểm đó, toàn xã có 101 hộ nuôi tôm, cua (trong đó có 1 hộ nuôi ngao). Ngày 20-5-2016, UBND xã đã xác định cụ thể diện tích nuôi tôm, cua trên địa bàn xã là 514.353m2 với số lượng giống tôm được thả là 1.049 vạn con (trong đó, giống tôm sú 927 vạn con và tôm thẻ 122 vạn con); cua 11.850  con. Tỷ lệ bị thiệt hại dưới 30% (con giống được thả bị chết). Trong 101 hộ nuôi trồng thủy sản được xác định bị thiệt hại, hộ nuôi tôm bị chết được xác định nhiều nhất là ông Trương Huỳnh, nuôi tôm ở vùng Hoang Giữa với diện tích 5.440m2, tỷ lệ thiệt hại 40%; hộ bà Nguyễn Thị Út, nuôi ngao ở cồn nổi Trúc Ly, tỷ lệ thiệt hại 31%...

a
Người dân nuôi trồng thủy sản nước lợ ở xã Võ Ninh chuẩn bị thu hoạch vụ tôm năm 2017.

Ông Nguyễn Minh cho biết thêm: Quá trình thực hiện công tác đền bù xã đã bám sát công văn số 6851, ngày 12-8-2016 và công văn số 7433, ngày 1-9-2016 của Bộ Nông nghiệp-PTNT cùng với chỉ đạo của UBND huyện Quảng Ninh về việc thống kê, xác định thiệt hại để bồi thường cho người dân vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Theo quy định mức bồi thường chỉ được áp dụng đối với các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản khi có đối tượng nuôi bị chết từ 70% trở lên. Trong khi tại hồ sơ thống kê, tập hợp báo cáo cấp trên của UBND xã Võ Ninh, mức độ bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đối với các hộ nuôi trồng thủy sản nước lợ tại xã Võ Ninh là 30%.

Cũng theo quy định, hồ sơ đền bù thiệt hại đối với các hộ nuôi trồng thủy sản nước lợ cần phải có các loại giấy tờ chứng minh sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hóa đơn đầu vào giống thuỷ sản, biên bản lấy mẫu và xác nhận thuỷ sản chết bất thường do nguồn nước của các cơ quan chức năng... nhưng các hộ dân không có hồ sơ để chứng minh, nên UBND xã chỉ đạo thực hiện phương án hỗ trợ cho các lao động bị mất việc làm.

Tuy nhiên, khi triển khai người dân đã không đồng tình và tiếp tục tạo dư luận cho rằng: UBND xã không tạo điều kiện cho các hộ dân được đền bù, nhiều đơn thư vượt cấp đã được chuyển đến các cơ quan chức năng và những lời đồn thổi đã tạo ra sự rạn nứt niềm tin của một số người dân ít hiểu biết pháp luật với chính quyền địa phương. Tại thời điểm này, có hơn 30 hộ dân nuôi trồng thủy sản nước lợ ở xã Võ Ninh đã đồng ý phương án hỗ trợ do UBND xã tuyên truyền, phổ biến...

Về vấn đề nói trên, ông Văn Anh Thuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Ninh cho biết: Hiện trên địa bàn huyện các xã vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển cơ bản đã hoàn tất hồ sơ đền bù, hỗ trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại và đang trong thời gian niêm yết để chi trả cho bà con theo quy định. Riêng đối với các hộ nuôi trồng thủy sản nước lợ ở xã Võ Ninh, Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND xã Võ Ninh trực tiếp tuyên truyền và hướng dẫn các hộ dân hoàn thành hồ sơ theo quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh khẳng định: Việc triển khai, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ dân nuôi trồng thủy sản nước lợ ở xã Võ Ninh là đúng quy định. UBND xã Võ Ninh đã bám sát các văn bản hướng dẫn của cấp trên để chỉ đạo và hướng dẫn cán bộ chuyên môn giúp đỡ người dân sớm tiếp cận với chính sách hỗ trợ để tiếp tục đầu tư đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Tuy tiến độ hoàn thành việc đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển chậm hơn so với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nhưng phải đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn của các cấp...

Nhóm P.V Bạn đọc

 

 

,