.

Hồng Thủy (Lệ Thủy): Khổ vì nước thải chuồng lợn

.
06:52, Thứ Tư, 24/08/2016 (GMT+7)

(QBĐT) - Kể từ khi ông Phạm Văn Lành ở thôn Thạch Thượng 2 (xã Hồng Thủy, Lệ Thủy) đầu tư chăn nuôi lợn với quy mô lớn, 10 hộ dân sống lân cận hàng ngày phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường do nước thải và mùi hôi nồng nặc từ chuồng lợn này gây ra. Điều đáng nói, mặc dù chính quyền địa phương đã yêu cầu thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng ông Lành vẫn phớt lờ...

Sự việc trên đã được các hộ dân ở đây viết tờ trình tập thể khẩn thiết gửi lên chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Sau khi tiến hành kiểm tra chuồng nuôi và hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi tại đây, UBND xã Hồng Thủy đã yêu cầu gia đình ông Lành phải sử dụng men vi sinh trộn trong thức ăn nhằm hạn chế mùi hôi của chất thải, lắp đặt hệ thống Bi-ô-ga, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và giảm số lượng đàn lợn chăn nuôi, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Tuy nhiên, bỏ qua mọi biện pháp mà chính quyền địa phương yêu cầu, tình trạng nước thải từ chuồng chăn nuôi lợn của ông Phạm Văn Lành vẫn được xả ra ngoài. Hơn thế, việc xả trực tiếp nước thải chăn nuôi ra môi trường của ông Lành đã ảnh hưởng đến 1.000m² ruộng lúa, trong đó có 200m² gần đó đã bị cháy.

Mương nước thải từ chuồng lợn của ông Phạm Văn Lành gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Mương nước thải từ chuồng lợn của ông Phạm Văn Lành gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Ông Phạm Xuân Chiến cho biết: "Mùi hôi thối nồng nặc từ chuồng lợn này khiến gia đình chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Nhất là, mỗi lần họ vệ sinh chuồng trại, nước thải từ đây xả thẳng ra mương nước chảy qua nhà tôi hôi không chịu nổi". Không những thế, mùi hôi từ chuồng lợn này còn lan sang cả các hộ gia đình cách đó vài chục mét. Nhà ông Lê Minh Tuân ở cách đó 50m cũng không thể chịu đựng được mùi hôi từ chuồng lợn này, mỗi khi trời trở gió Nam.

Ông Hoàng Văn Khoảnh cho hay, người dân chúng tôi ở đây vẫn nuôi lợn, nhưng chỉ vài ba con nên mùi hôi không đáng kể. Nhưng từ khi chuồng lợn của anh Lành nuôi với quy mô lớn 50 đến 60 con thì mùi hôi bốc lên không thể chịu đựng được. Chính quyền địa phương kiểm tra và yêu cầu xây dựng hầm Bi-ô-ga để chứa nước thải, nhưng nước thải từ chuồng lợn anh Lành vẫn tiếp tục xả trực tiếp ra môi trường.

Trước thái độ bất chấp các yêu cầu của UBND xã Hồng Thủy của ông Lành, các hộ dân nói trên đã kiến nghị lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy. Ngày 18-8-2016, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy có Công văn số 300/CV-TNMT đề nghị UBND xã Hồng Thủy quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình chăn nuôi di dời ra khỏi khu dân cư. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi của ông Phạm Văn Lành nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Châu Văn Sông, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, với quy mô chăn nuôi gia trại nhỏ như ông Lành, hiện không có chế tài, quy định nào để xử phạt. Và chính quyền địa phương cũng không thể cấm mà chỉ động viên, tuyên truyền, vận động họ phát triển chăn nuôi nhưng phải bảo đảm không ô nhiễm môi trường mà thôi. Hơn nữa, địa phương cũng chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung nên không thể di dời họ ra khỏi khu dân cư được.

Phát triển chăn nuôi, nhằm nâng cao thu nhập và đời sống là quyền lợi chính đáng của mọi người dân. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi phải bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường sống trong cộng đồng là điều mà mỗi người dân cần ý thức được. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần phải xây dựng các quy ước, hương ước quy định rõ trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn môi trường của các hộ chăn nuôi có quy mô lớn ở trong khu dân cư. 

Nhóm P.V Bạn đọc

 

,