.

Hình thức xử lý đối với người không báo cáo, tố giác khi biết được hành vi tham nhũng

.
10:59, Thứ Sáu, 05/08/2016 (GMT+7)

(QBĐT) - Hỏi: Xin cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người không báo cáo, tố giác khi biết được hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý như thế nào?

- Trả lời: Hành vi không tố giác tội phạm sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, phát hiện người phạm tội, đồng thời còn gây khó khăn cho việc ngăn chặn kịp thời thiệt hại xảy ra. Vì vậy, tại Điều 390, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:

1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này (trong đó có các tội như: tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ...) đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Việc không tố giác tội phạm bao giờ cũng được thể hiện ở việc không báo với cơ quan Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền việc có hành vi đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện tội phạm mà mình biết. Như vậy, người không tố giác tội phạm đã cố ý không hành động mặc dù biết hoặc không biết việc không tố giác tội phạm này là một tội phạm.

Điều luật chỉ quy định một khung hình phạt với mức hình phạt là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và được áp dụng đối với hành vi phải tố giác có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà người không tố giác phải biết rõ đây là hành vi tội phạm.

Tại khoản 2, Điều 19, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định những đối tượng sau đây không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nếu người phạm tội đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

Quy định về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động khoa học - công nghệ

- Hỏi: Các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động khoa học - công nghệ?

- Trả lời: Tại Điều 20, Thông tư số 05/2011/TT-TTCP, ngày 10-1-2011 của Thanh tra Chính phủ quy định về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động khoa học - công nghệ, bao gồm những nội dung quy định sau:

1. Yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong hoạt động khoa học - công nghệ:

Việc xét, tuyển chọn, giao đề tài, đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu, phân bổ ngân sách cho các đề tài nghiên cứu phải bảo đảm đúng quy định pháp luật về nghiên cứu khoa học.

2. Công khai, minh bạch trong hoạt động khoa học - công nghệ:

a) Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử các quy định pháp luật, quy trình, quy chế, định mức của ngành về quản lý nghiên cứu khoa học, kế hoạch nghiên cứu, danh mục đề tài và kết quả nghiên cứu được nghiệm thu.

b) Công khai trong cơ quan việc quản lý, sử dụng ngân sách, các khoản hỗ trợ, viện trợ, đầu tư, các khoản thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khoa học - công nghệ:

a) Lợi dụng việc xét, tuyển chọn, giao, đánh giá, nghiệm thu, phân bổ, cấp và quyết toán kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu để vụ lợi.

b) Gian dối trong khảo sát, sử dụng tài liệu, tổ chức hội nghị, hội thảo, thuê chuyên gia trong hoạt động khoa học - công nghệ.

Phòng Bạn đọc
 

,