.

Một số quy định mới về tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự năm 2015

.
07:15, Thứ Sáu, 24/06/2016 (GMT+7)

(QBĐT) - Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, trong đó có sự kế thừa Bộ luật Hình sự năm 1999 và sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới liên quan đến tội tham nhũng. Những nội dung mới này được đánh giá là sẽ góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) và khắc phục những bất cập trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước.

Bộ luật Hình sự năm 2015 mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng không chỉ trong khu vực Nhà nước, những người có chức vụ trong khi thực hiện công vụ mà còn mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước.

Tội phạm về chức vụ ở khu vực ngoài Nhà nước áp dụng đối với 4 tội danh là: “Tội tham ô tài sản”, “Tội nhận hối lộ”, “Tội môi giới hối lộ” và “Tội đưa hối lộ”. Trong đó, tội danh tham nhũng có 2 tội, đó là: “Tội tham ô tài sản” (quy định tại khoản 6, Điều 353) và “Tội nhận hối lộ” (quy định tại khoản 6, Điều 354).

Điểm mới nữa của Bộ luật Hình sự năm 2015 là đã bổ sung thêm 2 tội  danh vào các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự gồm: “Tội tham ô tài sản” (theo khoản 3 và khoản 4, Điều 353) và “Tội nhận hối lộ” (theo khoản 3 và khoản 4, Điều 354). Đối với tội phạm này, bất kỳ thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể xử lý hình sự, kể cả khi người phạm tội đã về hưu, nghỉ việc.

Nói cách khác, người phạm tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ nếu thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng sẽ không được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một quy định mới, thể hiện thái độ kiên quyết của Nhà nước nhằm tăng cường đấu tranh chống tham nhũng.

Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác PCTN và triển khai có hiệu quả Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, nhất là trong hoàn cảnh nước ta đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định về xử lý hình sự đối với tội đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công.

Cụ thể, tại khoản 6, Điều 364 “Tội đưa hối lộ” quy định: Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại điều này.

Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định “của hối lộ” là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá được bằng tiền, thì Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định ngoài lợi ích vật chất thì bổ sung “của hối lộ” có thể là “lợi ích phi vật chất” trong các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Tức là ngoài lợi ích vật chất khác, thì các lợi ích phi vật chất như lợi ích tinh thần cho người thụ hưởng cũng xem là yếu tố cấu thành đối với các tội danh trên.

Để hạn chế hình phạt tử hình, đồng thời khuyến khích người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, nộp lại tiền cho Nhà nước, Điều 40, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Phòng Bạn đọc
 

,