.

Xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trái phép

.
22:37, Thứ Ba, 26/04/2016 (GMT+7)

(QBĐT) - Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm do buông lỏng công tác quản lý để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (đá sét hay còn gọi tên khác là diệp thạch sét) và đất san lấp trên địa bàn huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, thông tin từ Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết: huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đã tiến hành xử lý nghiêm các cá nhân và tập thể có sai phạm. 

Trên cơ sở chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có hình thức kỷ luật phù hợp đối với các cá nhân thiếu trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ được giao để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản và đất san lấp trái phép trên địa bàn, huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã thực hiện việc xử lý cụ thể đối với từng tập thể, cá nhân.

Cụ thể, tại huyện huyện Quảng Ninh đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể UBND huyện Quảng Ninh, tập thể và cá nhân Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể Công an huyện.

Một điểm khai thác đất san lấp trên địa bàn huyện Quảng Ninh.
Một điểm khai thác đất san lấp trên địa bàn huyện Quảng Ninh.

Kiểm điểm phê bình trước đơn vị đối với các cá nhân thuộc Công an huyện gồm: ông Trần Ngọc Hiệp, cán bộ Đội cảnh sát Kinh tế-Môi trường; ông Hồ Văn Lịch, cán bộ Đồn Công an Nam Long. Kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể UBND xã và Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh; kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Quang, công chức Địa chính-Xây dựng xã Vạn Ninh.

Kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể UBND xã và Chủ tịch UBND xã An Ninh; kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Ngô Đình Túc, công chức Địa chính-Xây dựng xã An Ninh. Tại huyện Lệ Thủy đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể Phòng Tài nguyên-Môi trường và tập thể UBND các xã Sơn Thủy, Mỹ Thủy và UBND thị trấn nông trường Lệ Ninh.

Liên quan đến vụ việc này, qua kiểm tra 22 điểm khai thác khoáng sản và đất san lấp trái phép trên địa bàn huyện Quảng Ninh (có 16 điểm) và huyện Lệ Thủy (có 6 điểm) phục vụ cho việc san lấp mặt bằng, đường giao thông nông thôn và cung cấp cho Nhà máy xi măng Vạn Ninh làm nguyên liệu sản xuất xi măng, Sở Tài nguyên - Môi trường đã yêu cầu UBND huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy chỉ đạo buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan sớm khắc phục hậu quả do việc khai thác khoáng sản trái phép.

Hiện UBND huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đã chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát việc san gạt mặt bằng, phục hồi môi trường các khu vực đã xảy ra việc khai thác khoáng sản, đất san lấp trái phép trên địa bàn huyện của mình, đặc biệt là khắc phục các điểm trọng yếu để bảo đảm không ảnh hưởng đến an toàn hành lang lưới điện 500KV và các công trình khác với quan điểm  trường hợp chậm trể hoặc cố tình không thực hiện thì kiên quyết thu hồi đất theo quy định.

Đối với Nhà máy xi măng Vạn Ninh, Sở Tài nguyên – Môi trường đã yêu cầu chấm dứt việc tiêu thụ sét xi măng có nguồn gốc không hợp pháp, đồng thời có cam kết với UBND tỉnh không tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Nhà máy xi măng Vạn Ninh đã có cam kết chấm dứt việc tiêu thụ sét xi măng có nguồn gốc không hợp pháp.

P.V

 

,