.

Quản lý rừng bền vững trong bối cảnh chính sách lâm nghiệp mới

Thứ Bảy, 18/11/2017, 09:58 [GMT+7]
(QBĐT) - Ngày 17-11, dự án "Thúc đẩy quản lý lâm sản bền vững của các công ty lâm nghiệp ở Việt Nam" (viết tắt là PSFM) tổ chức hội nghị bàn tròn tại tỉnh Quảng Bình để trình bày, thảo luận về vấn đề quản lý rừng bền vững (RBV) và chứng chỉ rừng (CCR) trong bối cảnh chính sách lâm nghiệp mới. Đây là dự án do Bộ Nông nghiệp và lương thực Đức tài trợ.
 Hội nghị bàn tròn tại tỉnh ta thảo luận về vấn đề quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng trong bối cảnh chính sách lâm nghiệp mới
Hội nghị thảo luận về vấn đề quản lý RBV và CCR trong bối cảnh chính sách lâm nghiệp mới.

Đối với tỉnh ta, mô hình quản lý RBV và CCR tại Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (Công ty TNHH MTV LCN Long Đại), thực hiện từ năm 2006 đến tháng 1-2014 được cấp chứng chỉ toàn phần về quản lý RBV theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ mô hình của Công ty đã làm thay đổi và nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, công nhân lao động và cộng đồng địa phương về quản lý RBV và CCR. Qua đó, Công ty đã bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được Nhà nước giao, từng bước nâng cao độ che phủ rừng do đơn vị quản lý từ 79% (2010) lên 85% (2016).

Công ty cũng đã áp dụng thiết kế khai thác và kỹ thuật khai thác rừng tự nhiên theo phương pháp khai thác tác động thấp (RIL) nhằm duy trì được vốn rừng, hạn chế mức độ tàn phá hệ sinh thái rừng lân cận, tăng tỷ lệ tận dụng gỗ, diện tích và chất lượng rừng sau khai thác được bảo đảm duy trì và phát triển tốt. Đặc biệt, thông qua mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ phát triển rừng, tạo được công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Sau khi đại diện Công ty TNHH MTV LCN Long Đại trình bày về những thành tựu đạt được và khó khăn, thách thức sau khi đạt CCR, các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận về vấn đề đặt ra hiện nay đối với các công ty lâm nghiệp đã có CCR và những công ty lâm nghiệp đang mong muốn xây dựng phương án quản lý RBV và CCR.

Các công ty lâm nghiệp và các đại biểu còn chia sẻ về thực hiện phương án quản lý RBV và CCR đối với rừng trồng như: mức độ rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết khi kéo dài chu kỳ sản xuất, quy mô chứng chỉ, kinh phí đánh giá, đầu ra sản phẩm...

Thông qua hội nghị, các công ty lâm nghiệp, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh với sự chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá được hiện trạng tài nguyên rừng và các nguồn lực cần thiết để xây dựng phương án quản lý RBV và CCR.

Hương Trà