.

Tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế trang trại

Thứ Sáu, 06/10/2017, 15:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 6-10, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp-PTNT tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi và định hướng phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, các địa phương liên quan và 65 hội viên nông dân là chủ các trang trại.

Toàn cảnh hội nghị
Hội nghị định hướng phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình.

Tính đến cuối tháng 6-2017, toàn tỉnh có 725 trang trại đạt tiêu chí, tăng 146 trang trại so với năm 2012, trong đó có 13 trang trại trồng trọt, 213 trang trại chăn nuôi, 13 trang trại lâm nghiệp, 47 trang trại nuôi trồng thủy sản, 439 trang trại tổng hợp. Theo cơ cấu, các trang trại trồng trọt đã giảm và tăng trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp.

Các địa phương có số lượng trang trại nhiều như: Bố Trạch 487 trang trại, Lệ Thủy 131 trang trại, Quảng Trạch 30 trang trại… Hiện có 292/725 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Trung bình mỗi trang trại có 2,9 lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2017, thu nhập từ các trang trại đạt trên 855.335 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong các trang trại đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng và thời vụ đạt 200 nghìn đồng/người/ngày. Một số trang trại trên địa bàn đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có hoạt động liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tiêu thụ sản phẩm từ trang trại…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế trang trại cũng như những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế trang trại, Sở Nông nghiệp-PTNT rà soát lại quy hoạch ngành Nông nghiệp của tỉnh gắn với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội, tư vấn chuyên môn, kỹ thuật, đặc biệt là nghiên cứu hỗ trợ giống cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của tỉnh; phối hợp với các ngành để hình thành các câu lạc trang trại.

Đối với Sở Tài nguyên-Môi trường phối hợp với các địa phương rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại; hướng dẫn các trang trại thực hiện bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Đối với Sở Khoa học-Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tạo điều kiện đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa. Sở Kế hoạch-Đầu tư theo dõi, triển khai chính sách thu hút các nhà đầu tư, có cơ chế thông thoáng hỗ trợ các trang trại tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương triển khai cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trang trại, rà soát lại quy hoạch đối với các trang trại thuê đất dài hạn, có quy hoạch chi tiết để tạo điều kiện cho các trang trại hoạt động quy mô tập trung, ổn định sản xuất…

X.V