.

Phối hợp tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV

Thứ Tư, 10/05/2017, 16:26 [GMT+7]

Sáng 10-5, tại Hà Nội, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch phối hợp tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra từ 22-5 đến 20-6-2017.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp dân thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh minh họa: Nguyễn Thảo/TTXVN)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp dân thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh minh họa: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Tại hội nghị, Kế hoạch phối hợp tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ ba đã được thảo luận, thống nhất trên tinh thần bảo đảm cho mọi người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều được tiếp, hướng dẫn tận tình, chu đáo, đúng pháp luật; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương với chính quyền các địa phương.

Để đảm bảo hiệu quả công việc, Ban Dân nguyện và các đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường trao đổi thông tin, dự báo tình hình để chủ động xử lý các tình huống phức tạp...

Ban Tiếp công dân Trung ương kịp thời thông báo cho các địa phương có vụ việc khiếu kiện đông người, có đối tượng khiếu nại, tố cáo, chây ỳ, thường xuyên tụ tập tại cổng các cơ quan Trung ương trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu cử Tổ công tác phối hợp, vận động và đưa công dân về địa phương.

Các vụ việc khiếu nại, tố cáo có nội dung thuộc trách nhiệm của cơ quan có bộ phận thường trực tại Trụ sở sẽ giao cho cơ quan đó chủ trì tiếp. Trường hợp cần thiết, phụ trách Trụ sở chủ trì tiếp công dân.

Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người gay gắt, phức tạp, Ban Tiếp công dân Trung ương mời Tổ công tác của địa phương và đại diện cơ quan thường trực tiếp công dân có liên quan cùng tiếp, đồng thời đề xuất biện pháp xử lý vụ việc với lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tăng cường chỉ đạo, nắm chắc tình hình, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo xảy ra trên địa bàn; tổ chức tiếp công dân, đối thoại, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người, vượt cấp, kéo dài.

Các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, vượt cấp lên các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương. Những địa phương có vụ việc kiếu nại, tố cáo tập trung đông người tại Trung ương cần tăng cường lực lượng và chỉ đạo Tổ công tác phối hợp với Thường trực tiếp công dân của Quốc hội, Ban Tiếp công dân Trung ương và các cơ quan tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương để tiếp, giải thích, vận động công dân về địa phương.

Ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp của các địa phương phải thông tin kịp thời với Ban Tiếp công dân Trung ương để phối hợp xử lý, không để công dân kéo đến Trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; khi cần thiết đề nghị Ban Tiếp công dân Trung ương, các đơn vị của Thanh tra Chính phủ trực tiếp đối thoại tại địa phương.

Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, đã có ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, nếu công dân còn tiếp tục khiếu kiện, các địa phương phối hợp cơ quan chức năng tiếp tục đối thoại để giải quyết dứt điểm, thông tin kịp thời tới Ban Tiếp công dân Trung ương để phối hợp tiếp, trả lời công dân thống nhất khi tiếp tục phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)