.

Bàn giải pháp tiếp tục thực hiện chính sách phát triển thủy sản

Thứ Năm, 11/05/2017, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 10-5, Sở Nông nghiệp-PTNT tổ chức hội nghị bàn giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Hội nghị bàn giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản
Hội nghị bàn giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 85/85 đối tượng đủ điều kiện đóng mới tàu khai thác hải sản theo chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp-PTNT phân bổ. Trong đó có 81 tàu đóng mới theo Nghị định 67, gồm: 78 tàu đã hoàn thành và tham gia khai thác, 2 tàu vỏ gỗ đã hạ thủy, 1 tàu vỏ thép chưa ký hợp đồng tín dụng và 4 tàu đang đóng mới theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg.

Đối với tàu đóng mới thay thế tàu giải bản, có 5 đối tượng đủ điều kiện đóng mới được phê duyệt, trong đó 3 tàu đã hoàn thiện tham gia khai thác và 2 tàu đang tiến hành ký hợp đồng tín dụng. Đối với tàu nâng cấp, cải hoán, có 4 tàu được phê duyệt, trong đó có 3 tàu đã hoàn thành và 1 tàu chưa ký hợp đồng tín dụng.

UBND tỉnh cũng đã thẩm định, phê duyệt 14 đợt với 507 hồ sơ được hỗ trợ bảo hiểm khai thác xa bờ với tổng kinh phí trên 25,8 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ chi phí vận chuyển cho 5 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, trong đó đã hoàn thành thẩm định và hỗ trợ cho 3 tàu cá/23 chuyến với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 67 cũng như thực tế sản xuất của ngư dân thời gian qua, đó là: chưa có quy định đối với các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 được phép cải hoán, thay đổi công năng sử dụng, chuyển nhượng tài sản và hỗ trợ lãi suất đối với chủ của tàu chuyển nhượng; chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 chỉ hỗ trợ trong 1 năm, trong khi chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn lại kéo dài từ 11-16 năm nên không phù hợp; Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 113/NQ-CP, trong đó có nội dung kéo dài thời gian thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định 67 nhưng chưa đồng bộ nên khó thực hiện; hiệu quả sản xuất của một số chủ tàu chưa cao, nhất là do ảnh hưởng sự cố môi trường biển của Fomosa Hà Tĩnh gây ra; các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong thu hồi nợ và xử lý tài sản do chủ tàu không trả nợ đúng kỳ hạn; còn 4 trường hợp đã được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện nhưng chưa được các ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng...

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 67, hội nghị đã bàn một số giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Cụ thể: Sở Nông nghiệp-PTNT tập trung phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các ngân hàng thương mại trên địa bàn hướng dẫn, tuyên truyền các chủ tàu tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, chấp hành trả nợ theo cam kết; UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn các chủ tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng chưa ký hợp đồng tín dụng khẩn trương làm việc với các ngân hàng thương mại để ký hợp đồng tín dụng và triển khai đóng tàu hoàn thành trong năm 2017; các ngân hàng thương mại phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, nhắc nhở chủ tàu chấp hành việc trả nợ gốc, lãi suất vay đúng kỳ hạn và làm việc với các chủ tàu đã được phê duyệt để xem xét, ký hợp đồng tín dụng; ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cần nắm bắt chính xác thông tin về ngư trường, mùa vụ khai thác để tổ chức sản xuất hiệu quả, đồng thời hạch toán sản xuất theo từng chuyến biển để phối hợp với ngân hàng trong việc trả nợ gốc và lãi suất đúng kỳ hạn…

Hiền Phương