.

Quảng Bình tiếp tục tập trung nguồn lực cho khu vực miền núi, vùng khó khăn

Thứ Tư, 12/04/2017, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 11-4, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao.

Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát, về phía tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc
Buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội và UBND tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành về phân định xã, huyện miền núi, vùng cao.

Việc phân định miền núi và vùng cao là cơ sở để ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Các chính sách này đã tác động trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của dân cư vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đặc biệt là người nghèo. Hầu hết các các hộ nghèo đều được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, các dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập và dịch vụ cơ bản... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi hàng năm đã có sự giảm mạnh.

Năm 2013, tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19-9-2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III vùng miền núi dân tộc giai đoạn 2012-2015, tỉnh Quảng Bình có 293 thôn (trong đó có 27 thôn đặc biệt khó khăn) được đưa vào phân định. Bên cạnh đó, tổng số xã được đưa vào phân định là 64 xã, thị trấn (trong đó, có 10 xã khu vực I; 10 xã khu vực II và 44 xã khu vực III).

Năm 2016, sau khi nhận được Công văn số 1138/UBDT-CSDT ngày 8-11-2016 của Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 3-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã có xã thuộc vùng dân tộc, miền núi trên địa bàn tổ chức hướng dẫn quy trình và tổ chức xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016-2020 theo quy định.

Kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 3-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ bước đầu cho thấy, toàn tỉnh có 324 thôn đặc biệt khó khăn (trong đó có 297 thôn thuộc xã khu vực III, 27 thôn thuộc xã khu vực II). Trong tổng số 64 xã được rà soát thì có 40 xã khu vực III (chiếm 62,50%), 21 xã khu vực II (chiếm 32,81%), 3 xã khu vực I (chiếm 4,69%). Như vậy, giai đoạn 2012-2015 tại tỉnh Quảng Bình đã có sự tăng, giảm về số lượng thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực I, II, III...

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã đề xuất các kiến nghị liên quan đến những nội dung như: Ủy ban Dân tộc xem xét, điều chỉnh, bổ sung tiêu chí và tổ chức rà soát, xác định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao cho phù hợp với điều kiện hiện nay; sớm phê duyệt kết quả phân định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ để có cơ sở thực hiện các chương trình, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2017 và các năm tiếp theo...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà Quảng Bình đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương nói chung và phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi nói riêng. Kết quả phân định các xã, huyện là miền núi, vùng cao cơ bản được thực hiện công khai, qua đó, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào miền núi, đời sống của người dân được ổn định. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho các chương trình, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu, một số tiêu chí hiện không còn phù hợp.

Để nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị, Quảng Bình tiếp tục tập trung nguồn lực cho khu vực miền núi, vùng cao khó khăn. Kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao sẽ là cơ sở để Hội đồng Dân tộc xem xét, đánh giá lại các chính sách đầu tư cho phù hợp, qua đó xây dựng dự án luật về hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trước đó, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đã khảo sát thực tế và làm việc tại huyện Minh Hoá.

Văn Minh