.

Đề nghị giảm phí cho phương tiện giao thông tại địa bàn huyện Quảng Ninh và Quảng Trạch khi qua trạm thu phí BOT

Thứ Bảy, 25/03/2017, 11:05 [GMT+7]
(QBĐT) - Ngày 24-3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.
 
Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chủ trì buổi làm việc, về phía tỉnh có đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, UBND huyện có liên quan và Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty CP Tasco...
 
a
Đồng chí Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 2 dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý gồm: dự án xây dựng mới đoạn tránh lũ Nam Quán Hàu do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh là nhà đầu tư và dự án xây dựng nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Quảng Trạch do Công ty CP Tasco là nhà đầu tư. Hai dự án này được xây dựng khai thác 2 trạm phu phí BOT để hoàn vốn.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc xây dựng nâng cấp Quốc lộ 1 theo hình thức BOT trên địa bàn đã giải quyết tốt nhu cầu giao thông vận tải trên tuyến đường này, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Bình nói riêng. Người dân địa phương được hưởng lợi từ việc nâng cấp hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch, bảo đảm giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho việc tăng trưởng sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống.
 
Tuy nhiên, quá trình đầu tư theo hình thức BOT trên địa bàn Quảng Bình không được lấy ý kiến của địa phương về cơ chế quản lý cũng như mức thu phí. Đặc biệt, giá thu phí, lộ trình tăng phí các công trình giao thông theo hình thức BOT nhiều điểm còn bất cập.
 
Việc thiết kế 2 nút giao thông ở Quán Hàu chưa phù hợp. Mặt khác, cần phân luồng để phương tiện lưu thông trên tuyến tránh lũ nhằm giảm bớt lưu lượng trên tuyến cũ đi qua khu vực đông dân cư, hạn chế tai nạn giao thông.
 
Do trạm thu phí được đặt tại các vị trí dẫn vào trung tâm hành chính của huyện Quảng Ninh và huyện Quảng Trạch nên phương tiện cá nhân của nhân dân địa phương đi làm việc hàng ngày phải thường xuyên qua trạm; nhiều trường hợp không đi qua đoạn tuyến BOT hoặc chỉ đi qua đoạn ngắn trên tuyến BOT nhưng phải mua vé qua trạm với mức phí cao, gây bức xúc trong nhân dân. Trong năm 2016 đã xảy ra một số lần người dân đưa phương tiện đến chắn trạm thu phí để phản đối, làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT, an toàn xã hội. HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên nhận được đơn thư phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân địa phương đề nghị có giải pháp cho vấn đề này.
 
Để giải quyết tình trạng nêu trên, UBND tỉnh Quảng Bình đã có các văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính xem xét để có phương án miễn, giảm phí qua trạm cho các phương tiện ở địa phương nhưng chưa được giải quyết.
 
UBND tỉnh đề nghị Đoàn giám sát có ý kiến với các bộ, ngành liên quan để miễn, giảm phí cho các phương tiện có đăng ký tại địa bàn huyện Quảng Ninh khi qua Trạm thu phí Quán Hàu và các phương tiện có đăng ký tại địa bàn huyện Quảng Trạch khi qua Trạm thu phí Tasco. Đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ cho các nhà đầu tư phần kinh phí đã ứng trước để bồi thường cho nhân dân có công trình bị hư hại trong quá trình thi công 2 dự án BOT trên địa bàn...
 
Thay mặt Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Quang ghi nhận sự cố gắng của tỉnh trong việc tổ chức thực hiện chính sách đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT; đồng thời hứa sẽ tập hợp các kiến nghị của tỉnh để báo cáo Quốc hội xem xét, xử lý.
 
Tr.T