.

Tổng kết đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp"

Thứ Bảy, 26/11/2016, 17:25 [GMT+7]
(QBĐT) - Chiều 25-11, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" (gọi tắt Đề án 258). Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Đề án chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Qua 5 năm thực hiện Đề án 258, công tác tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu giám định của các tổ chức, cá nhân.
 
Thể chế về giám định tư pháp đã cơ bản được hoàn thiện, với việc ban hành Luật Giám định tư pháp năm 2012 và 36 văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện nhiều nội dung quan trọng của công tác giám định tư pháp, trong đó có những vấn đề tồn đọng từ nhiều năm, gây nhiều khó khăn vướng mắc cho hoạt động giám định.
 
Hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập giám định chuyên trách trong 3 lĩnh vực: pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự đã được củng cố, hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giám định. Đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp phát triển ngày càng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
 
Tuy nhiên, thời hạn giám định ở một số lĩnh vực tài chính, ngân hàng chưa được xác định; quy định về trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định chưa được hướng dẫn cụ thể, nên các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng không thống nhất; điều kiện thực hiện giám định còn hạn chế, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng, đất đai; nhiều cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định.
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, các bộ, ngành và các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về giám định tư pháp; Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương sớm thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về giám định tư pháp nhằm giúp Ban Chỉ đạo đề án 258, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về giám định tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng; các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý giám định tư pháp tăng cường cơ chế thông tin, phối hợp nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giám định tư pháp.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định trách nhiệm trong việc hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật giám định tư pháp; gắn việc hoàn thiện thể chế, tổ chức, hoạt động giám định tư pháp với công tác cải cách tư pháp; cần thực hiện việc thống kê, đánh giá về nhu cầu, chất lượng hoạt động giám định tư pháp phục vụ công tác giải quyết các vụ án tham nhũng; hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong hoạt động giám định tư pháp.
 
Dương Công Hợp