.

Tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân

Thứ Bảy, 15/10/2016, 16:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp khẩn để ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ trong sáng 15-10.

Tại cuộc họp, các ngành Giao thông vận tải, Nông nghiệp-PTNT, Y tế... đã báo cáo nhanh tình hình thiệt hại và các giải pháp khắc phục hậu quả của mưa lũ. Theo số liệu cập nhật  tính đến 12 giờ ngày 15-10, toàn tỉnh đã có 7 người chết, 5 người mất tích, 15 người bị thương; trên 56.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó: Bố Trạch 4.500 nhà, Tuyên Hóa 8.449 nhà, Minh Hóa 2.667 nhà, Ba Đồn 19.152, Quảng Trạch 2.850 nhà và Lệ Thủy 19.000 nhà. Các địa phương đã tiến hành di dời 1.800 hộ, sơ tán gần 100 người đến nơi an toàn.

Về giao thông, tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh ta bị tê liệt hoàn toàn do nhiều đoạn bị sạt lở và ngập sâu trong lũ. Hiện có 132 hành khách trên tàu TN 19 đang mắc kẹt tại khu vực Lạc Sơn. Về đường bộ, tuyến đường từ Đồng Hới ngược ra phía bắc bị chia cắt nhiều đoạn, đặc biệt tại phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn), nước vẫn ngập sâu, các loại xe không thể lưu thông. Đường Hồ Chí Minh cũng bị sạt lở và ngập lụt tại nhiều điểm, trong đó đoạn qua xã Tân Hóa ngập sâu gần 3m, lực lượng chức năng hiện đang ứng trực và hướng dẫn giao thông tại các điểm này. Các tuyến đường tỉnh lộ, liên huyện, liên xã... nhiều nơi vẫn đang trong tình trạng ngập sâu.

Tại khu neo đậu tàu thuyền cảng Gianh, hiện có gần 700 tàu thuyền neo đậu (quy mô đáp ứng 400 tàu thuyền). Hiện còn khoảng 700 tàu thuyền có nhu cầu neo đậu tại đây để bảo đảm an toàn. Cũng trên sông Gianh, có 2 tàu hàng bị chìm và cuốn trôi, 2 tàu bị mắc cạn. Tại cửa Roòn, do lượng tàu thuyền neo đậu lớn và bị sóng đánh, có 30-40 tàu cá bị đứt neo, trong đó có 4 tàu cá bị trôi ra biển, 4 tàu cá bị chìm, có hai ngư dân đã được cứu.

Để cùng người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, ngay sau cuộc họp khẩn, UBND tỉnh đã thành lập hai đoàn công tác về các địa phương để nắm tình hình và chỉ đạo các lực lượng cứu hộ. Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã có mặt tại các điểm bị ảnh hưởng nặng và động viên, thăm hỏi người dân.

Tại Quốc lộ 1A đoạn qua xã Đồng Trạch, nhiều xe tải, xe khách đã xếp hàng dài từ 4 giờ sáng 15-10 để đợi đường thông. Trong cuộc chuyện trò với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, anh Dương Ngọc Quang, lái xe ô tô BKS 81B-00501 chạy tuyến Gia Lai-Hà Nội, cho biết: Trên xe hiện có gần 20 hành khách đang trong tình trạng thiếu thực phẩm do bị ách tắc từ 4 giờ sáng. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các thành viên trong đoàn hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm cho hành khách xe 81B-00501 nói riêng và hành khách các xe bị mắc kẹt do mưa lũ nói chung, bảo đảm người dân không bị đói trong thời gian đợi đường thông.

Tại khu neo đậu tàu thuyền cảng Gianh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý cơ quan chức năng cần có các giải pháp để di dời số lượng tàu thuyền đang neo đậu, tránh tình trạng quá tải khiến tàu thuyền bị va đập gây chìm và hư hỏng. Ngoài ra, đối với một số tàu thuyền nhỏ, cần vận động người dân vào neo đậu sâu trong các cửa sông để bảo đảm an toàn, đặc biệt trong thời điểm bão số 7 đang có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh ta.

Đoàn công tác cũng đã tiến hành kiểm tra tình trạng ngập lũ tại xã Sơn Trạch. So với mức lũ đỉnh điểm tối 14-10, đến ngày 15-10, nước lũ đã rút khoảng 1m. Tuy nhiên hai bên sông Son, nhiều ngôi nhà vẫn ngập sâu 2-3m và bị chia cắt hoàn toàn, nhiều trâu bò bị nước cuốn trôi.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung mọi nguồn lực nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Đối với các tàu cá, tàu hàng, sà lan bị sóng đánh chìm và cuốn trôi, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn Trung ương tiếp tục tìm kiếm, hỗ trợ. Về tàu TN19 đang bị cô lập tại khu vực Lạc Sơn, tỉnh giao trách nhiệm cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh dùng các phương tiện tiếp cận và tiếp tế lương thực, thực phẩm, dầu... nhằm tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm an toàn cho 132 hành khách trong thời điểm khó khăn này.

Dự báo tình hình mưa lũ sắp tới sẽ còn nhiều diễn biến khó lường. Do đó bên cạnh việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, thực hiện hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần chuẩn bị các phương án đối phó với bão số 7 để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân.

Hình ảnh về tình hình mưa lũ và công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả của lãnh đạo UBND tỉnh:

đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, động viên lái xe và hành khách bị tắc đường đoạn qua huyện Bố Trạch
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, động viên lái xe và hành khách bị tắc đường đoạn qua huyện Bố Trạch.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại khu neo đậu tàu thuyền cảng Gianh
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại khu neo đậu tàu thuyền cảng Gianh.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi các thuyền viên tàu cá neo đậu tại cảng Gianh
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi các thuyền viên tàu cá neo đậu tại cảng Gianh.
Xử lý điểm sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Phú Định
Xử lý điểm sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Phú Định, huyện Bố Trạch.
Nhiều khu dân cư thuộc xã Sơn Trạch (Bố Trạch) vẫn ngập sâu trong lũ vào thời điểm 10h ngày 15-10
Nhiều khu dân cư thuộc xã Sơn Trạch (Bố Trạch) vẫn ngập sâu trong lũ vào thời điểm 10 giờ ngày 15-10.
Các sở, ban, ngành báo cáo tình hình thiệt hại và các giải pháp khắc phục hậu quả mua lũ
Các sở, ban, ngành báo cáo tình hình thiệt hại và các giải pháp khắc phục hậu quả mua lũ.

Ngọc Mai