.

Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, triển khai các phương án phòng chống bão số 7

Thứ Hai, 17/10/2016, 20:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 17-10, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tổ chức cuộc họp về tình hình mưa lũ, công tác phòng chống, khắc phục hậu quả; đồng thời triển khai công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 7. Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy PCTT và KTCN chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Do ảnh hưởng của kết hợp vùng áp thấp và gió Đông Bắc, từ ngày 13 đến ngày 16-10, mưa lớn trên diện rộng đã bao phủ địa bàn tỉnh. Đỉnh lũ lớn xuất hiện trên các trạm Đồng Tâm, Mai Hóa, Đồng Hới, Kiến Giang, Lệ Thủy. Mặc dù người dân các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều phương án đối phó với mưa lũ nhưng do cường suất mưa quá lớn, vượt quá cao so với dự báo nên đã gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người và tài sản trên phạm vi toàn tỉnh. Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh do đợt mưa lũ gây ra là 871 tỷ đồng.

Trước và trong lũ, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia TKCN, Cục Phòng chống thiên tai đã đến kiểm tra tình hình lũ lụt, thăm hỏi nhân dân và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng kịp thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai công tác phòng chống lũ lụt; tổ chức các đoàn công tác tới các địa phương kiểm tra tình hình và chỉ đạo ứng phó; tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại, gia đình có người bị thiệt mạng và cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là đối với những người dân chưa kịp sơ tán tại các khu vực bị ngập sâu…

Nhằm ứng phó với bão số 7, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai ngay phương án phòng chống bão mạnh, siêu bão. Cụ thể, thông báo các chủ phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm chủ động ứng phó và tìm nơi trú ẩn an toàn; tổ chức neo đậu tàu thuyền trong các khu trú tránh; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, chặt, tỉa cành cây; tổ chức sơ tán người ra khỏi nơi không bảo đảm an toàn; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình công cộng như trường học, trung tâm y tế, bến cảng…; duy trì lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu…

Tỉnh cũng đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ tỉnh như: hóa chất xử lý môi trường và nước sinh hoạt; thuốc phòng, chống dịch bệnh; giống lúa, vật nuôi, cây trồng cho sản xuất vụ đông-xuân sắp tới… Đặc biệt, hỗ trợ kịp thời nguồn kinh phí 871 tỷ đồng để giúp nhân dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất và sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các địa phương đã báo cáo công tác khắc phục lũ lụt và đề xuất một số khó khăn cần tháo gỡ như: công tác xử lý môi trường, vệ sinh sau lũ; hỗ trợ gạo cho nhân dân các địa bàn vùng sâu, vùng xa; gia cố và sửa chữa một số công trình hồ đập xung yếu đang bị xuống cấp; tạo điều kiện về điện, nước cho nhân dân sau lũ để ổn định cuộc sống…

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả lũ lụt với tinh thần khẩn trương triển khai phương án phòng chống bão số 7 theo phương châm 4 tại chỗ. Trong đó, tập trung vào những vấn đề sau: các ngành chức năng tiếp tục tìm kiếm người còn mất tích; Ban chỉ huy PCTT và TKCN chủ động về cơ sở để chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, nhất là vùng bị ảnh hưởng nặng, gia đình có thiệt hại về người … sớm ổn định cuộc sống; các địa phương trong tỉnh cần chủ động trích nguồn ngân sách hỗ trợ kịp thời cho người dân sớm vượt qua khó khăn và ổn định đời sống; huy động các lực lượng như công an, bộ đội, đoàn viên thanh niên giúp người dân vùng lũ khắc phục hậu quả.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế phối hợp với Sở TN và MT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương công tác vệ sinh môi trường và nước sạch, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh trên người sau lũ; Sở NN và PTNT chỉ đạo tiêu độc khử trùng đối với các cơ sở chăn nuôi, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và vật nuôi; Sở LĐ-TB và XH tham mưu cho UBND tỉnh trong việc phân bổ, cấp phát gạo cứu trợ cho nhân dân và kịp thời đưa gạo về cho người dân, không để người dân đói; UBMT các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác tiếp nhận hàng cứu trợ và phân bổ bảo đảm minh bạch, công bằng; ngành Điện lực cần khẩn trương cấp điện trở lại cho người dân vùng lũ trong thời gian sớm nhất; Sở Tài Chính chuẩn bị nguồn kinh phí để phân bổ cho các địa phương và ngành GTVT nhằm xử lý các điểm, vị trí xung yếu để đối phó trước cơ bão số 7…

N.L