.

Hội nghị giao ban trực tuyến Tổng cục Thi hành án dân sự

Thứ Năm, 13/10/2016, 14:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 13-10, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các Cục, Chi cục Thi hành án dân sự của 63 tỉnh, thành phố.

Hội nghị giao ban trực tuyến Tổng Cục Thi hành án dân sự tại điểm cầu Quảng Bình
Hội nghị giao ban trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Đây là lần đầu tiên Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến trong phạm vi toàn ngành nhằm mục đích đánh giá các kết quả đã đạt được trong năm 2016, đặc biệt là các mặt tồn tại, hạn chế và tìm ra nguyên nhân, đề ra các nhóm giải pháp trong thời gian tiếp theo.

Theo số liệu từ Tổng cục Thi hành án dân sự, năm 2016, tổng số việc thụ lý là 836.054 việc, tăng 5,64% so với năm 2015, trong đó, số có điều kiện thi hành là 675.429 việc, đã thi hành xong 530.428 việc, đạt tỷ lệ 78,53%, tăng 30.388 việc so với năm 2015. Về tiền, tổng số thụ lý là hơn 144,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,74% so với năm 2015, trong đó số có điều kiện thi hành là hơn 86,2 nghìn tỷ, thi hành xong hơn 29 nghìn tỷ, đạt tỷ lệ 33,74%, tăng hơn 7,8 nghìn tỷ so với năm 2015.

Như vậy, so với chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, trong năm nay, hệ thống thi hành án dân sự toàn quốc đã vượt chỉ tiêu được giao cả về việc (8,53%) và về tiền (3,74%).

Đối với Quảng Bình, tổng số việc thụ lý là 3.801 việc, trong đó, năm trước chuyển sang 610 việc và thụ lý mới 3.191 việc, tổng số việc có điều kiện thi hành là 3.261 việc, thi hành xong 2.882 việc. Tổng số tiền thụ lý là hơn 293,8 tỷ, tổng số có điều kiện thi hành là hơn 132,6 tỷ, thi hành xong là hơn 38,6 tỷ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác thi hành án dân sự vẫn bộc lộ một số mặt hạn chế, như: số việc, tiền phải thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều; một số địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu và có lượng án chuyển kỳ sau có xu hướng tăng; kết quả thi hành án đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đạt thấp; công tác thi hành án trong các vụ án tham nhũng tại một số địa phương còn chưa tập trung, sát sao, quyết liệt; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo còn chưa được quan tâm đúng mức…

Trong thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung vào một số giải pháp quan trọng, gồm: chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành án; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu; tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục phát huy công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ công chức thi hành án; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ và tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo tiến hành và trong công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Mai Nhân