.

Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra sự thịnh vượng của quốc gia

Thứ Tư, 12/10/2016, 10:46 [GMT+7]

100 doanh nhân tiêu biểu năm 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Cúp Thánh Gióng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phát biểu của tại Lễ phát động phong trào thi đua với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” tối 11-10, nhân kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh: Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia.

Chính phủ cam kết nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với gần 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, riêng 9 tháng đầu năm 2016, đã có thêm 91 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu mang thương hiệu Việt đến với thế giới là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh.

Nhắc tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần phát triển ở trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu phải dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao.

Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững.  Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy, cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ.

Chính phủ sẽ làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công.

Doanh nghiệp phải giữ vai trò nòng cốt

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ trương của Chính phủ đối với phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là: Nuôi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế; hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới; thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu.

Nhưng, để làm được điều này,  các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt. đòi hỏi doanh nghiệp phải bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế, đòi hỏi doanh nhân phải năng động sáng tạo, có kiến thức và dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ mong các doanh nhân, doanh nghiệp cũng có những khát khao như vậy, nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam giàu có, thịnh vượng.

Thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ”

Để cụ thể hóa chủ trương này của Chính phủ, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp.

Trong đó, ba đồng hành là: đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế pháp luật trên các lĩnh vực, đảm bảo công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; và đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân.

Tiếng nói của doanh nghiệp sẽ được Thủ tướng lắng nghe thường xuyên.

Năm hỗ trợ được Thủ tướng đề cập là: hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bằng việc sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp gắn kết với hoạt động của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu; Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó chú trọng mở rộng thị trường, đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin, nâng cao năng suất lao động;  Hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương và Hội đồng Thi đua -Khen thưởng các cấp tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có đóng góp lớn cho xã hội.

Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức đồng lòng, đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tập hợp thành sức mạnh thời đại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho mình, vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Tại buổi lễ, phát biểu hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định sẽ triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết, hợp tác, đổi mới, sáng tạo, tuân thủ luật pháp, liêm chính, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, vững tiến đến mục tiêu đất nước có trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Thay mặt lãnh đạo các tỉnh, thành phố hưởng ứng phong trào thi đua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng an toàn, thân thiện, hiệu quả, cải cách bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, giải quyết kịp thời khó khăn của doanh nghiệp.

Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)