.

Ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII: Thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Thứ Tư, 20/07/2016, 17:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 20-7, HĐND tỉnh khóa XVII đã tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 2 nhằm tập trung đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và thảo luận, thông qua các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; xem xét, thảo luận và thông qua các nghị quyết chuyên đề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.

>> Phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đề ra những quyết sách kịp thời nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016 (*)

h
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Hoàng Đăng Quang nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2016, trong bối cảnh cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng có rất nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt, sự cố môi trường biển đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, việc làm, đời sống của nhân dân, song với sự đoàn kết, nỗ lực quyết tâm rất cao của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, nên việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên tỉnh nhà đang còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách rất gay gắt, đặc biệt sự cố môi trường biển xảy ra đã gây hậu quả nghiêm trọng, lâu dài đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và cử tri trong tỉnh, tập trung thảo luận một cách khách quan, toàn diện, đi sâu vào từng vấn đề để thấy được những mặt đã làm được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, rút ra nguyên nhân và đề ra những quyết sách kịp thời, đúng đắn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong toàn xã hội nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, làm tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.

Buổi sáng, kỳ họp đã được nghe báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của HĐND tỉnh. Theo đó, 6 tháng đầu năm, HĐND tỉnh triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ với khối lượng công việc lớn và bối cảnh có nhiều khó khăn. Tuy nhiên Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh hai nhiệm kỳ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát chương trình trọng tâm của năm 2016, triển khai thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch đề ra. Các hoạt động tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016, tổ chức các kỳ họp bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Tiếp đó, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh trình bày báo cáo về tình hình kinh tế -xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện kế hoạch năm 2016. Do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 5,5% (giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2015). Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và sản xuất dịch vụ đều giảm so với cùng kỳ năm 2015. Sản xuất công nghiệp và thu ngân sách cơ bản ổn định. Giải quyết việc làm đạt khá với 1,92 vạn lao động, bằng 58,2% kế hoạch. Công tác giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án còn nhiều vướng mắc. Lĩnh vực cải cách hành chính, thu hút đầu tư vẫn còn một số tồn tại, hạn chế...

Các đại biểu cũng đã nghe báo cáo của Ủy ban MTTQVN, TAND, Viện KSND tỉnh cùng các tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh về một số nội dung quan trọng khác...

Buổi chiều, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm; thảo luận về các báo cáo, tờ trình tại kỳ họp. Đã có 11 ý kiến tập trung vào các nội dung như: nước cho sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao thông cho một số xã khó khăn tại thị xã Ba Đồn; các chính sách để phát triển và bảo vệ rừng ở Minh Hóa; tiến độ một số công trình giao thông trọng điểm và một số khó khăn trong lĩnh vực thu ngân sách trên địa bàn huyện Tuyên Hóa; những bất cập, hạn chế trong chính sách thu hút, đào tạo nhân tài trên địa bàn tỉnh; các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bố Trạch; vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp...

Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Đặc biệt, nhiều đại biểu đã tập trung đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển gây ra. Đại biểu Lê Thuận Văn đề nghị: Thời gian tới, để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tỉnh và các cơ quan chức năng cần tiến hành các chính sách cho vay vốn, thuê đất để doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất, kinh doanh; có kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương trong vấn đề khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 67 để giải quyết việc làm cho ngư dân và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Kiến nghị với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng chỉ tiêu xuất khẩu lao động đối với tỉnh để giải quyết việc làm cho lao động vùng biển nhằm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài.

Đại biểu Đoàn Lương Khuệ khẳng định, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, dù tỉnh và các ban ngành chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, tuy nhiên việc đánh bắt nuôi trồng, dịch vụ gần bờ rất khó khăn. Do đó, UBND và các ngành chức năng cần có các giải pháp cụ thể và hiệu quả để đồng hành cùng ngư dân vùng khó khăn và bảo đảm môi trường biển. Những bức xúc của người dân có lúc, có nơi giải quyết còn thiếu kịp thời, tạo kẽ hở cho kẻ xấu xúi giục, kích động nhân dân.

Đại biểu Hoàng Minh Đề mong muốn, về lâu dài tỉnh cần kiến nghị với Chính phủ, với Trung ương để kiểm soát chặt chẽ vấn đề ô nhiễm môi trường biển để bảo đảm môi trường sống cũng như việc phục hồi ngành nghề truyền thống.

Ngoài ra, một số đại biểu đã đề xuất thêm các giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân các địa phương bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển.

Ngọc Mai