.

Nếu để xảy ra vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Thứ Tư, 27/04/2016, 16:37 [GMT+7]
(QBĐT) - Sáng 27-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tham dự có lãnh đạo Uỷ ban Trung ương MTTQVN và các bộ, ban, ngành liên quan. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có các đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Tiến Dũng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Trong năm 2015, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế. Việc sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất cải tạo xử lý môi trường, chất bảo quản nhuộm màu trong sơ chế, chế biến sau thu hoạch nông sản ngày càng phức tạp và khó lường. Đặc biệt như chất vàng ô là loại hóa chất được sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp nhưng bị lạm dụng trộn vào thức ăn để tạo màu vàng (tạo màu cho măng, dưa...) nhằm đánh lừa thị giác của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, đặc biệt tại cơ sở giết mổ chưa đáp ứng theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm... Hoạt động giám sát chỉ mới tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các tiêu chí về thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, kháng sinh bị lạm dụng trong khâu sản xuất ban đầu mà chưa giám sát đầy đủ các tiêu chí về vi sinh, chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến...

Đặc biệt, hiện nay các loại thực phẩm tươi sống như: rau củ quả, thịt, thủy sản... hầu hết đều chưa có nhãn mác về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm các cơ quan chức năng rất khó để xử lý. Đây cũng là vấn đề bất cập khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa sản phẩm không an toàn và sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, nguồn lực ở một số địa phương còn yếu kém, chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm cũng như tạo động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Tại hội nghị, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới, đó là: đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi phải có sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, cần xác định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ nay, nếu để xảy ra vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các lực lượng chức năng cần vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thay đổi tư duy trong sản xuất, đặc biệt phải triệt để ngăn chặn hành vi sản xuất không an toàn đối với thực phẩm tươi sống...

Đ.N