.

Chính phủ yêu cầu khắc phục sự chậm trễ việc trồng rừng thay thế

Thứ Hai, 12/10/2015, 16:04 [GMT+7]
(QBĐT) - Sáng 12-10, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã họp trực tuyến với các địa phương nhằm kiểm điểm và đánh giá kết quả trổng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục địch sử dụng khác. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình do đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Quảng Bình.
Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Tổng hợp kết quả rà soát tình hình ở các địa phương, diện tích rừng phải thay thế từ việc xây dựng các công trình thủy điện là gần 18.000ha, đến nay trồng rừng thay thế đạt trên 51%, các dự án chuyển sang mục đích kinh doanh là 20.000ha, trồng thay thế được 22%, các dự án chuyển sang mục đích xây dựng công cộng trên 30.000ha, trồng thay thế đạt 8,2%, các dự án khác 50.000ha, trồng thay thế đạt 13,7%. Tổng số tiền do chủ dự án nộp về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng đến nay đạt 262 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được 68,5 tỷ đồng.

Các địa phương đạt kết quả tích cực trong trồng rừng thay thế gồm: Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Các địa phương phải trồng rừng thay thế với diện tích lớn, nhưng triển khai chậm, kết quả còn thấp là Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đối với Quảng Bình, từ năm 2006 đến nay có 23 dự án đầu tư trên diện tích đã được chuyển mục đích trồng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích 827ha. Trong đó có 22 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng 806ha và 1 dự án sản xuất kinh doanh có diện tích rừng chuyển đổi 21ha. Theo kế hoạch được Bộ Nông nghiệp-PTNT phê duyệt trong năm 2015 sẽ trồng 500ha và năm 2016 trồng 328 ha. Tuy nhiên đến thời điểm này các dự án chưa triển khai trồng rừng thay thế do chưa bố trí được kinh phí.

Tại hội nghị, các địa phương đã nêu ra nguyên nhân chính của việc trồng rừng thay thế đạt thấp, đặc biệt là ở các công trình công cộng là do chưa chủ động bố trí vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện; nhiều chủ dự án không chủ động trong xây dựng phương án trồng rừng thay thế cũng như thực hiện nộp tiền.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp-PTNT khắc phục tình trạng chậm trễ việc trồng rừng thay thế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24-1-2014.

P.V