.

Kiểm tra tình hình sản xuất của các cơ sở nuôi tôm trên cát ở Quảng Ninh và TP Đồng Hới

Thứ Ba, 08/09/2015, 17:31 [GMT+7]
(QBĐT) - Sáng 8-9, UBND tỉnh tổ chức đoàn đi kiểm tra và làm việc với một số cơ sở nuôi tôm trên cát đóng trên địa bàn xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) và xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) do đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các sở: Nông nghiệp-PTNT, Tài nguyên-Môi trường, Kế hoạch-Đầu tư, Khoa học-Công nghệ, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình.
 
 
Đồng chí Trần Văn Tuân chủ trì làm việc tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh) về tình hình nuôi tôm trên cát.
Đồng chí Trần Văn Tuân chủ trì làm việc tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) về tình hình nuôi tôm trên cát.

Đoàn đã đến kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất và đã dành thời gian làm việc cụ thể với xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và Công ty CP Đức Thắng (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới).

Theo đó, trên địa bàn xã Hải Ninh hiện có 3 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nuôi thủy sản gồm: Công ty CP Thanh Hương, Công ty TNHH Toàn Tâm, Công ty giống thủy sản và có 42 hộ dân tự góp vốn thành lập 15 nhóm nuôi tôm thẻ chân trắng. Diện tích thả nuôi từ đầu năm đến nay khoảng 31ha, giảm so với cùng kỳ 23,7ha. Tình hình dịch bệnh trên tôm đã xảy ra rải rác ở một số hộ nuôi trên địa bàn xã.

Công ty CP Đức Thắng là một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Vụ nuôi xuân hè năm 2015, đơn vị chỉ tiến hành thả nuôi trên diện tích 20 ao và nuôi theo quy trình mới nhưng đã xuất hiện tình trạng tôm chết do dịch bệnh. Hiện nay, doanh nghiệp đã tiến hành thả nuôi lại 30/90 ao nuôi, vào thời điểm tôm thả được hơn 1 tháng đang phát triển tốt.

Hiện tại, Công ty CP Đức Thắng và các cơ sở nuôi tôm ở xã Hải Ninh đều gặp những khó khăn như: giá tôm thương phẩm năm nay giảm so với các năm trước; việc đầu tư nuôi tôm trên cát cao nên khi bị thua lỗ thì không có khả năng trả vốn và lãi…

Vì vậy, các đơn vị đã kiến nghị các vấn đề sau: các ngành quan tâm hỗ trợ để người nuôi thủy sản tiếp cận được nguồn vốn nhằm khắc phục khó khăn; tăng cường kiểm soát về chất lượng con giống, thuốc, thức ăn thủy sản; xây dựng mô hình điểm để người dân học tập và nhân rộng nhằm để nuôi tôm trên cát bền vững…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Tuân đã chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp và địa phương đang phải đối mặt, đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực và cố gắng mà các đơn vị tham gia nuôi tôm trên cát đã làm được.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý thêm một số vấn đề sau: ngành Nông nghiệp nắm chắc tình hình dịch bệnh tôm  trên cả tỉnh để có định hướng và biện pháp chỉ đạo phù hợp và kịp thời, trong đó chú trọng việc kiểm soát con giống; xây dựng quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành khác trong hoạt động thanh, kiểm tra giống, thuốc, thức ăn thủy sản...

Sau khi ngành Nông nghiệp khẳng định được các giải pháp kỹ thuật hữu hiệu của nuôi tôm trên cát thì ngân hàng mới có biện pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp và các cơ sở nuôi tôm; cần tổng kết và rút ra những mô hình nuôi tôm trên cát hiệu quả để người nuôi nhân rộng trong thời gian tới.

N.L