.

Tổng kết dự án "Gieo hạt giống cho sự thay đổi-giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững-SRI"

Thứ Tư, 19/08/2015, 17:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 19-8, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi-giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững-SRI”.

 

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Với mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực cho người sản xuất và các nhà quản lý thông qua kỹ thuật sản xuất lúa gạo cải tiến, các mối liên kết thị trường và quản lý phụ phẩm sản xuất lúa gạo, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người nông dân và giảm phát thải nhà kính từ phương pháp sản xuất lúa gạo truyền thống, dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi-giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững-SRI” được triển khai ở tỉnh ta từ năm 2012 với 4 hợp phần chính gồm: chuyển giao kỹ thuật SRI, kết nối thị trường, năng lượng tái tạo từ phụ phẩm lúa gạo, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ.

Theo đó, trong vụ đông xuân 2012-2013, dự án triển khai ở 2 xã trên diện tích 43ha với sự tham gia của 456 hộ thì đến nay dự án đã mở rộng diện tích thực hiện là 619ha ở 10 HTX thuộc 8 xã của 4 huyện Lệ Thủy, Quảng  Ninh, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn với gần 3.400 hộ tham gia.

Qua 3 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả đã đề ra, góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cụ thể, sản xuất lúa theo phương pháp SRI giúp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế từ 16-30% cho người sản xuất và xây dựng lúa gạo phát triển theo chuỗi; đây là một trong những giải pháp kỹ thuật góp phần giảm nghèo, tăng năng lực cho người dân và phát huy vai trò người phụ nữ trong các hoạt động ở địa phương; hệ thống thâm canh lúa cải tiến đã thay đổi được tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất thân thiện và góp phần bảo vệ môi trường; SRI là một giải pháp kỹ thuật mới tiến bộ hơn 3 giảm-3 tăng đã từng áp dụng ở tỉnh ta.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, địa phương và các hộ dân, các HTX tham gia dự án đã báo cáo tham luận và trao đổi một số vấn đề xoay quanh những nội dung cơ bản: chia sẻ kết quả và kinh nghiệm triển khai áp dụng kỹ thuật SRI; hỗ trợ kỹ thuật để duy trì và nhân rộng mô hình SRI; lồng ghép hoạt động về giới trong tuyên truyền hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI; năng lượng tái tạo từ nông nghiệp; công tác tiếp thị, quảng bá cho gạo SRI của Quảng Bình với người tiêu dùng; hoạt động kết nối doanh nghiệp với người sản xuất lúa…

N.L