.

Tiếp tục sửa đổi một số chính sách về lâm nghiệp nhằm tăng quyền hạn và chủ động cho đơn vị trồng rừng

Thứ Năm, 16/07/2015, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 15-7, đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội về khảo sát, giám sát việc bảo vệ, phát triển rừng, quản lý, sử dụng đất lâm trường quốc doanh tại Quảng Bình. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp-PTNT, Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên-Môi trường và các đơn vị, địa phương liên quan.

Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT đã trình bày những nét cơ bản về công tác phát triển rừng và việc quản lý, sử dụng đất của các lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh.

Quảng Bình là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng, đã quy hoạch ba loại rừng trong giai đoạn 2006-2010 và triển khai thực hiện Nghị định 200/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới, phát triển các lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh.

Vai trò, trách nhiệm của hai công ty lâm công nghiệp (Công ty TNHH MTV LCN Long Đại và Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình) ngày càng được khẳng định. Đến ngày 31-12-2014, tổng diện tích tự nhiên được giao cho 2 công ty này quản lý, sử dụng là 346.140,6ha. Các công ty đã thực hiện tốt việc bảo vệ có hiệu quả vốn rừng hiện có, diện tích rừng cơ bản được giữ vững và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất đai trái phép.

Công tác trực cháy và tuần tra canh gác bảo vệ rừng trong mùa khô được thực hiện thường xuyên theo phương châm "4 tại chỗ" nên trong điều kiện biến đổi khí hậu, nắng nóng khô hạn kéo dài nhưng số vụ và thiệt hại do cháy rừng trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Công tác phát triển rừng được các công ty, các ban quản lý rừng phòng hộ và người dân đặc biệt quan tâm. Diện tích rừng tự nhiên cơ bản được giữ vững, vốn rừng được bảo tồn, diện tích rừng trồng tăng hàng năm.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất lâm nghiệp được được các công ty lâm công nghiệp của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định trên các lĩnh vực: ứng dụng công nghệ giâm hom trong sản xuất giống cây keo lai, bạch đàn urô phục vụ trồng rừng nguyên liệu; xây dựng một số mô hình nghiên cứu trồng thực nghiệm như trồng tre điền trúc lấy măng... bước đầu cho kết quả khả quan và đang được tiếp tục theo dõi, đánh giá nhân rộng. Đặc biệt, các công ty lâm công nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh nên nhiều diện tích mới trồng có độ tăng trưởng khá tốt.

Các thành viên trong Đoàn công tác của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã đánh giá cao công tác bảo vệ, phát triển rừng, quản lý đất lâm trường quốc doanh của tỉnh. Đồng thời trao đổi một số nội dung liên quan đến việc xây dựng nguồn nhân lực bảo vệ rừng; công tác kiểm tra, đo đạc diện tích đất lâm nghiệp và kinh phí cho hoạt động này; công tác giao đất bảo vệ, phát triển rừng cho bà con vùng dân tộc thiểu số; giải quyết khó khăn cho các công ty lâm công nghiệp.

Sau khi tiếp thu và giải trình, làm rõ một số nội dung do đoàn đưa ra, đồng chí Trần Văn Tuân đã phát biểu nêu lên những khó khăn, bất cập trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, quản lý sử dụng đất lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị, đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí để triển thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới các công ty nông-lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP; tiếp tục sửa đổi một số chính sách về lâm nghiệp theo hướng tăng cường hơn nữa quyền hạn và chủ động cho đơn vị trồng rừng; đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường đối với sản phẩm lâm nghiệp nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế...

M.H