.

Thực hiện xã hội hoá các hoạt động về lĩnh vực khoa học và công nghệ

Thứ Ba, 28/07/2015, 17:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 28-7, đồng chí Trần Tiến Dũng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác của Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia về công tác quản lý, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh. Tham dự có đại diện lãnh đạo của các sở: Khoa học-Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư, Nông nghiệp-PTNT, Trường Đại học Quảng Bình và đại diện một số doanh nghiệp.

 

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Khoa học-Công nghệ (KH-CN) đã trình bày báo cáo kết quả hoạt động KH-CN của tỉnh giai đoạn 2009-2014.

Theo đó, trong thời gian qua, công tác xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách hoạt động KH-CN đã không ngừng được quan tâm. UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động, quy hoạch, chỉ thị, quyết định về quản lý và hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh.

Các văn bản được ban hành đã góp phần quan trọng vào phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu KH-CN, tiến bộ vào đời sống xã hội. Đã có 70 đề tài, dự án được triển khai thức hiện trong giai đoạn này như: giải pháp xây dựng thương hiệu sản phẩm các làng nghề ở Quảng Bình; nghiên cứu, phân tích đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau, quả...

Trong hoạt động sự nghiệp KH-CN cấp huyện, nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện, thành phố. Từ năm 2009-2014, tỉnh ta đã triển khai thực hiện 34 mô hình ứng dụng KH-CN với nguồn đầu tư kinh phí trên 5,3 tỷ đồng về các lĩnh vực như: nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống. Đến nay đã có 32 mô hình thực hiện xong và được tổ chức đánh giá nghiệm thu. Nhiều dự án, mô hình đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao và có khả năng nhân rộng.

Về công tác thanh tra KH-CN đã được triển khai thực hiện trên các lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ. Đã thực hiện thanh tra trọng tâm trọng điểm các mặt hành kinh doanh xăng dầu, gas hóa lỏng thiết bị điện, điện tử, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, vàng bạc, thép. Hoạt động thanh tra đã góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng người tiêu dùng. Công tác tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng được đẩy mạnh và tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, góp phần phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận làm giảm đáng kể các hiện tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH-CN còn tồn tại không ít hạn chế như, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương. Hoạt động nghiên cứu được triển khai mặc dù đã có nhiều cải tiến song vẫn chưa có định hướng rõ nét. Chất lượng công tác nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số đề tài thực hiện có tính khả thi và tính ứng dụng còn kém. Việc ứng dụng các đề tài, dự án nhân rộng mô hình chưa được quan tâm.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác Hội đồng chính sách KH-CN Quốc gia đã trao đổi một số nội dung liên quan đến việc gắn kết mô hình nghiên cứu, hoạt động KH-CN với các đơn vị và địa phương khác trong cả nước để khắc phục những khó khăn về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất KH-CN của tỉnh; đổi mới cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH-CN; chú ý đầu tư phát triển tiềm năng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng bệnh viện y học cổ truyền sắp tới...

Sau khi giải trình và tiếp thu những vấn đề của Đoàn công tác Hội đồng chính sách KH-CN đưa ra, đồng chí Trần Tiến Dũng đã có những kiến nghị, đề xuất, đó là, Nhà nước cần đảm bảo chi ngân sách đầu tư cho KH-CN hàng năm; bổ sung chỉ mục chi ngân sách cho KH-CN ở cấp huyện trong mục lục chi ngân sách Nhà nước để có điều kiện tăng cường hoạt động KH-CN cấp huyện; thực hiện xã hội hóa hoạt động KH-CN, tăng đầu tư cho KH-CN từ doanh nghiệp...

Đ.Nguyệt