.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011-2015

Thứ Sáu, 03/04/2015, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 2-4, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Sau 4 năm thực hiện chương trình, cơ cấu nhân lực được chuyển dịch ngày càng hợp lý theo hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Cụ thể: cơ cấu lao động khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 4,36% năm 2010 lên 17,21% vào tháng 3-2015; lao động khu vực thương mại và dịch vụ tăng từ 19,99% lên 27,63%; lao động khu vực nông-lâm-thủy sản giảm từ 65,65% năm 2010 xuống còn 55,16% vào tháng 3-2015. Có 5/16 đề án thành phần đã thực hiện cơ bản hoàn thành kế hoạch, 9/16 đề án thành phần đang thực hiện.

Căn cứ vào mục tiêu đã đề ra tại Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011-2015, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt, gồm: Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên 60% vào tháng 3-2015 (mục tiêu 55 - 60%); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 22% năm 2010 lên 36% vào tháng 3-2015 (mục tiêu 35 - 40%). Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính đạt chuẩn và được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, đào tạo chính trị, trên 95% có trình độ ngoại ngữ và tin học theo quy định; 91,6% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (mục tiêu trên 90%).

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh; công tác xây dựng nguồn nhân lực, nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo; phổ cập giáo dục phổ thông được đẩy mạnh; đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng; công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản được nâng cao. Nhìn chung các đề án đã được triển khai thực hiện kịp thời, đánh giá được kết quả hoạt động đề ra.

Bên cạnh những ưu điểm nói trên, quá trình triển khai các đề án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố chưa chặt chẽ; lao động việc làm và dạy nghề còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực ngành giáo dục được đào tạo theo nhiều chương trình và phương thức khác nhau nên trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm chưa đồng đều giữa các vùng miền; đầu tư cho khoa học - công nghệ còn thấp; chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là ở vùng biển, ven biển và miền núi; tại một số địa phương, tỷ lệ giảm nghèo còn thiếu vững chắc...

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều tham luận nêu bật những thành tựu đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các đề án thành phần của chương trình; đồng thời có nhiều kiến nghị, đề xuất phương án thực hiện cho những năm tiếp theo.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của các ban ngành, địa phương trong quá trình triển khai đề án giai đoạn 2011-2015. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý một số vấn đề sau: Thời gian tới cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án; quy hoạch lại mạng lưới giáo dục đào tạo; tăng cường công tác đào tạo nghề; bổ sung các đề án, chương trình mới; tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực...

Ngọc Mai