.

Hội nghị lấy ý kiến tham gia Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Thứ Năm, 19/03/2015, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và công văn số 835/UBTVQH-PL ngày 28-2-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 18-3, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan liên quan đối với Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội ứng cử và công tác trên địa bàn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các đồng chí nguyên là đại biểu Quốc hội, lãnh đạo HĐND tỉnh qua các thời kỳ…

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Theo đó, trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND được thực hiện trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2001), Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (năm 2003), Luật tổ chức HĐND và UBND (năm 2003), Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội, Quy chế hoạt động của HĐND.

Qua quá trình thực hiện theo các quy định này, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về giám sát trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành để ban hành một đạo luật chung về hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND là thực sự cần thiết.

Với tinh thần đó, Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND gồm 4 chương với 90 điều, bao gồm: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Giám sát của Quốc hội; Chương III: Giám sát của HĐND; Chương IV: Bảo đảm hoạt động giám sát và điều khoản thi hành.

Tại hội nghị, đã có 9 ý kiến phát biểu và tất cả đều đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nội dung và bố cục của Dự án Luật. Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến vào các nội dung: “Về giám sát đối với văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội” (các Điều 15, 26 và 24); “Về chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp” (các Điều 16, 27, 70 và 72); “Về giám sát chuyên đề của Quốc hội” (Điều 17); “Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (các Điều 19, 20, 63 và 64); “Về giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân”; “Về giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân”…

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định, các ý kiến tham gia đã thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với việc ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Các ý kiến cũng thể hiện quan điểm đồng tình và thống nhất với bố cục, nội dung, các khoản, chương, điều của Luật. Khi Dự án Luật được thông qua, hiệu lực giám sát của Quốc hội và HĐND và vai trò của các cơ quan dân cử sẽ được nâng cao. Ngoài những ý kiến trực tiếp tại hội nghị, các đại biểu có thể tiếp tục gửi ý kiến bằng văn bản cho Thường trực HĐND tỉnh để tiếp thu và tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Ngọc Mai