.

Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây Xuân Ất Mùi năm 2015

Thứ Tư, 25/02/2015, 10:51 [GMT+7]

Ngày 24-2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Ất Mùi năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức tại Đền Hùng - khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia; nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước; tổ tiên, cội nguồn dân tộc Việt Nam.

>> Phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ"

>> Tổng Bí thư phát động Tết trồng cây tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham gia trồng cây tại Khu di tích Đền Hùng. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham gia trồng cây tại Khu di tích Đền Hùng. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước nhấn mạnh 55 năm nay hưởng ứng lời kêu gọi của Bác và làm theo lời Bác, mỗi khi xuân đến, Tết trồng cây đã trở thành một tập quán tốt đẹp  trong những ngày vui tết. Trong những năm qua, phong trào trồng cây trong những ngày tết đã đạt được những kết quả hết sức to lớn. Công tác bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chủ tịch nước cho rằng, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân.

Trong những ngày vui Tết, đón Xuân Ất Mùi 2015, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây; phát động Lễ trồng cây phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, bảo đảm thiết thực hiệu quả, tiết kiệm.

Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào, đồng chí, cả nước hăng hái tham gia trồng cây, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật, làm theo lời dạy của Bác, vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Cùng ngày, trong không khí đầu năm mới Ất Mùi, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng; huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự lễ kỷ niệm 1975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2015.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Dâng hương tại di tích đền Hai Bà Trưng trong lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước cùng các đại biểu đã ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc.

Theo truyền thuyết trong dân gian và thần tích tại đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh và Hát Môn (Hà Nội), thời kỳ đó, đất nước ta bị nhà Hán đô hộ.

Với chính sách thống trị vô cùng tàn bạo của nhà Hán, nhân dân ta phải sống lầm than, khổ cực. Năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại nền độc lập cho đất nước trong gần 3 năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, khí phách quật cường của dân tộc ta.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước khẳng định, trong gần 2000 năm qua, phụ nữ Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng, có những cống hiến to lớn rất đáng tự hào vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dịp để ôn lại một trang lịch sử oanh liệt, hào hùng, truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, đối với Hai Bà Trưng, các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ.

Chủ tịch nước nêu rõ, 1975 năm trước, hai nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị đã khởi nghĩa, đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, giữ yên bờ cõi, giành độc lập cho dân tộc. Ngày nay, tiếp bước truyền thống yêu nước và ý chí chống giặc kiên cường đó, cùng với sức mạnh chính nghĩa, đại đoàn kết toàn dân, có sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế; thế hệ hôm nay nhất định sẽ xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu.

Theo Hoàng Giang (TTXVN/Vietnam+)