.

Yêu cầu đơn vị nạo vét thông luồng, tận thu cát tại các cửa sông thực hiện nghiêm túc quy trình

Thứ Bảy, 24/01/2015, 21:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 23-1, đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với các ngành về các dự án nạo vét thông luồng kết hợp tận thu sản phẩm cát nhiễm mặn để xuất khẩu tại các cửa sông trên địa bàn tỉnh. Tham dự có đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Vụ vật liệu Bộ Xây dựng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp tham gia dự án.

Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc.
Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Qua báo cáo của Sở Giao thông vận tải, đến thời điểm này, tại tỉnh ta có 6 dự án nạo vét thông luồng tại các cửa sông, trong đó có 3 dự án đã tiến hành nạo vét là, dự án nạo vét cửa sông Gianh của Công ty CP đầu tư và thương mại Linh Thành, bắt đầu nạo vét từ tháng 6-2014; dự án nạo vét cửa sông Nhật Lệ của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hoàng Kim Việt, tiến hành nạo vét từ tháng 8-2014; dự án nạo vét luồng sông Son của Công ty TNHH MTV Tràng An, tiến hành từ tháng 8-2014. Tổng khối lượng cát đã nạo vét của cả 3 dự án là trên 520.000m3. Còn lại 3 dự án nạo vét cửa sông Lý Hòa, cửa sông Dinh và cửa Roòn đang  thực hiện các thủ tục để tiến hành khai thác vào đầu năm 2015.

Qua một thời gian triển khai các dự án cho thấy, chủ trương của Chính phủ cho phép các đơn vị thực hiện xã hội hóa nạo vét luồng sông là đúng đắn, mang lại lợi ích cho các bên (người dân hưởng lợi tàu thuyền ra vào cửa sông thuận tiện, Nhà nước không đầu tư vốn nhưng vẫn có nguồn thu thuế xuất khẩu cát và doanh nghiệp có lợi nhuận). Tuy nhiên quá trình thực hiện phát sinh một số bất cập, tồn tại cần được xử lý như: nguy cơ gây tác động xói lở bờ sông, quản lý nguồn cát khai thác xuất khẩu chưa chặt chẽ, làm thất thoát thuế tài nguyên...

Sau khi các đại biểu và các doanh nghiệp phát biểu, đề xuất ý kiến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: việc xã hội hóa hoạt động nạo vét luồng sông là chủ trương đúng đắn, trong lúc ngân sách Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp tham gia nạo vét cửa sông cho tàu ra vào dễ dàng và tận thu cát bù đắp chi phí rất đáng hoan nghênh. Qúa trình triển khai nạo vét và xuất khẩu cát nhiễm mặn hầu hết các đơn vị đã thực hiện đầy đủ các quy định của cơ quan chức năng.

Đồng thời, đồng chí Trần Văn Tuân yêu cầu các đơn vị nạo vét thông luồng, tận thu cát tại các cửa sông thực hiện nghiêm túc quy trình; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về chủ trương xã hội hoá, mang lại lợi ích cho tất cả các bên, nhất là tàu thuyền của ngư dân đi lại thuận tiện.

Quá trình triển khai các dự án cần phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường, phải đánh giá tác động môi trường một cách cụ thể đối với từng dự án và quản lý chặt chẽ vấn đề xuất khẩu sản phẩm cát tận thu.

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động nạo vét và tận thu cát nền nếp, UBND tỉnh giao cho Sở Giao thông vận tải làm đầu mối chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra đôn đốc các đơn vị và định kỳ có báo cáo cho Trung ương và UBND tỉnh.

Tr.T