.

Nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân về nhiệm vụ cải cách tư pháp

Thứ Năm, 29/01/2015, 14:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 29-1, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015. Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh kết luận hội nghị
Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh kết luận hội nghị.

Theo đó, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2012-2016, năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp đã đề ra.

Vì vậy, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được nâng lên. Các vụ án được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Cụ thể, các cơ quan điều tra Công an tỉnh đã thụ lý 654 vụ/1.050 bị can, trong đó: khởi tố mới 532 vụ/868 bị can; giải quyết 555 vụ/888 bị can (đạt tỷ lệ 84,86% số vụ và 84,6% số bị can). Kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị truy tố 454 vụ/823 bị can (đạt tỷ lệ 81,8% số vụ và 92,6% số bị can); đình chỉ điều tra 21 vụ/29 bị can; tạm đình chỉ 46 vụ/23 bị can. Tổ chức xác minh, truy bắt, vận động đầu thú và thanh loại 78 đối tượng truy nã (đạt 103,3% so với chỉ tiêu đề ra).

Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra 567 vụ/967 bị can; truy tố 401 vụ/722 bị can; trả hồ sơ cho cơ quan điều tra 4 vụ (chiếm 1,1%). Thông qua hoạt động kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã ban hành 18 kháng nghị phúc thẩm và 1 kháng nghị giám đốc thẩm, 93 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; yêu cầu khởi tố 8 vụ án hình sự; yêu cầu hủy bỏ 1 quyết định khởi tố vụ án. Thụ lý kiểm sát 1.421 vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại...

Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 2.015 vụ, việc các loại, giải quyết 1.968 vụ (đạt tỷ lệ 97,7%). Trong đó số vụ án bị cấp phúc thẩm và cấp giám đốc thẩm hủy là 11 vụ (chiếm 0,56%). Các lĩnh vực thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, tổ chức, hoạt động bổ trợ tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác cải cách tư pháp năm 2014.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, hoạt động cải cách tư pháp năm 2014 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chất lượng điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án vẫn chưa cao; hoạt động giám sát của HĐND có đổi mới nhưng chưa có các cuộc giám sát chuyên sâu lĩnh vực tư pháp; số lượng luật sư trên địa bàn tỉnh chưa nhiều; một số địa phương chưa thực sự quan tâm phối hợp trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng...

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến nhằm làm rõ hơn nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc, từ đó đề ra những giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2015.

Kết luận hội nghị, đồng chí Lương Ngọc Bính ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các cơ quan tư pháp đã đạt được trong năm qua. Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã tham mưu hiệu quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2012-2016 và các nhiệm vụ quan trọng khác. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế mà các cơ quan tư pháp cần tích cực khắc phục.

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ năm 2015, đồng chí Lương Ngọc Bính lưu ý, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân về nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiện toàn bộ máy của các cơ quan tư pháp; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cơ quan tư pháp; nâng cao chất lượng  điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ án trọng điểm, tồn đọng, án tham nhũng, dư luận xã hội quan tâm.

Lĩnh vực thi hành án dân sự cần tập trung giải quyết các vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm sát, bảo đảm mọi hoạt động tư pháp thực hiện khách quan, đúng quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tổ chức hiệu quả "Ngày Pháp luật Việt Nam" nhằm tôn vinh, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho cán bộ, nhân dân.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp các cấp và tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); tập trung chỉ đạo đại hội Đảng ở các cơ quan tư pháp theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để góp phần bảo đảm và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Ngọc Mai