.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tình hình hoạt động tố tụng hình sự tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh

Thứ Ba, 27/01/2015, 21:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 27-1, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh về "Tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật" trong giai đoạn từ 2011-2014.

>> Tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết tin báo, tố giác, không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm

Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh kết luận buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh kết luận buổi làm việc.

Theo quy định của pháp luật hình sự và pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự thì cơ quan Kiểm lâm có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các tội danh quy định tại các điều 175, 189, 190, 191, 240 và 272 của Bộ luật Hình sự.

Căn cứ vào các quy định đó, từ năm 2011 đến nay, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện, lập hồ sơ ban đầu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 13 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Việc xử lý hình sự các đối tượng trên bảo đảm đúng quy định, không xảy ra tình trạng oan sai.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật hình sự trong lĩnh vực này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn, bất cập như: một số quy định của các văn bản pháp luật còn thiếu thống nhất và chưa đồng bộ. Chi cục Kiểm lâm với chức năng là cơ quan điều tra khác nên không có điều tra viên, do vậy rất khó khăn trong công tác điều tra...

Tại buổi làm việc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đề xuất với Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh sớm có ý kiến đệ trình lên Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và một số thông tư quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; đồng thời sớm ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm cụ thể, tránh việc sai lệch trong quá trình áp dụng luật.

N.Mai